Ngày 13.5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố nước này sẽ cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đồng ý hủy bỏ chương trình hạt nhân. Trả lời phỏng vấn Đài Fox News, ông Pompeo khẳng định đầu tư tư nhân của Mỹ sẽ giúp Triều Tiên xây dựng mạng lưới điện và phát triển cơ sở hạ tầng. Trước đó, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha hồi cuối tuần, ông Pompeo cũng nói Mỹ sẵn sàng giúp Triều Tiên phát triển kinh tế với điều kiện Bình Nhưỡng nhanh chóng hủy bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Cũng trong hôm qua, Yonhap dẫn lời các nguồn tin từ Hàn Quốc và Mỹ tiết lộ Washington yêu cầu Bình Nhưỡng chuyển vũ khí hạt nhân, vật liệu phân hạch và tên lửa ra nước ngoài. Điều kiện này được đưa ra trong tiến trình đàm phán chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến vào ngày 12.6 tại Singapore. Nếu Bình Nhưỡng thực hiện yêu cầu trong vòng vài tháng sau cuộc gặp thì Washington sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Hồi tuần rồi, Ngoại trưởng Mike Pompeo có chuyến thăm Triều Tiên lần thứ hai nhằm thảo luận công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh và đưa 3 tù nhân Mỹ về nước. Ngay sau đó, Hãng thông tấn KCNA đưa tin hai bên “đạt được đồng thuận về các vấn đề đã thảo luận”. Đây có thể là bằng chứng Bình Nhưỡng không phản đối yêu cầu nói trên.
Trong một diễn biến tích cực mới, KCNA dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên công bố chi tiết kế hoạch phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri từ ngày 23 - 25.5 và sẽ mời phóng viên
5 nước Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Mỹ và Anh đến chứng kiến. Triều Tiên tiến hành tất cả 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri, miền bắc nước này và vụ cuối cùng là thử bom nhiệt hạch hồi tháng 9.2017. Đảng cầm quyền Minjoo ở Hàn Quốc lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của miền Bắc nhưng phe đối lập tỏ vẻ hoài nghi, theo Yonhap. Lãnh đạo đảng Tự do Hàn Quốc Hong Joon-pyo nhắc lại Triều Tiên từng phá hủy tháp làm mát, tạm ngừng hoạt động tổ hợp nghiên cứu hạt nhân Yongbyon để đổi lấy thỏa thuận viện trợ từ nước ngoài hồi năm 2008, nhưng sau đó tái khởi động lò phản ứng tại đây.
Giới quan sát nhận định Triều Tiên sẽ không giao nộp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho đến khi xác định an ninh quốc gia được đảm bảo thông qua thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và ký kết hiệp ước hòa bình. Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950 - 1953 chỉ kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có thể từ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân để tạo thuận lợi trong đàm phán, theo giới chuyên gia.
Bình luận (0)