Từ năm 1993, Sudan bị Mỹ liệt vào diện quốc gia khủng bố hoặc hậu thuẫn khủng bố. Ngoài Sudan, danh sách này hiện còn có Triều Tiên, Iran và Syria. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ đưa Sudan ra khỏi danh sách nếu Sudan trả Mỹ 335 triệu USD mà Washington coi là tiền bồi thường cho những nạn nhân người Mỹ chịu thiệt hại vì hoạt động khủng bố của Sudan.
Tiêu chí được Mỹ áp dụng đối với Sudan ở đây là trả tiền, trong khi phía Mỹ đồng thời áp dụng tiêu chí hoàn toàn khác đối với 3 nước còn lại trên danh sách kia.
Sự không nhất quán này phản ánh rõ mục đích và lợi ích chính trị của Mỹ. Tuy chưa có bên nào liên quan xác nhận nhưng vừa rồi đồn thổi rằng cái giá mà Sudan phải trả cho Mỹ không chỉ có khoản tiền kia mà còn cả sự chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Israel.
Mỹ liệt Sudan vào diện khủng bố và bây giờ Mỹ tính rút Sudan ra không phải bởi nhìn nhận và đánh giá rằng Sudan không là mối nguy cơ an ninh và đe dọa khủng bố đối với Mỹ nữa, mà vì chính quyền mới ở Sudan chấp nhận trả cho Mỹ khoản tiền lớn. Như thế chẳng phải chỉ cần trả tiền cho Mỹ thì sẽ không còn bị Mỹ coi là khủng bố nữa hay sao?
Từ đó có thể thấy khủng bố chỉ là cái cớ mà Mỹ tận dụng để làm khó cho các quốc gia, tổ chức hay cá nhân có quan điểm chính sách không thuận cho lợi ích và chiến lược của Mỹ chứ không liên quan trực tiếp đến khủng bố. Thực dụng chính trị là khi lợi ích phải nhất quán, trong khi tiêu chí xác định và thực hiện lợi ích không nhất thiết phải luôn nhất quán.
Bình luận (0)