Hãng Reuters ngày 3.6 đưa tin các binh sĩ Mỹ lặng lẽ rút quân khỏi Căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, kết thúc cuộc chiến 20 năm và dài nhất lịch sử Mỹ.
Lầu Năm Góc cho biết việc trao trả căn cứ Bagram cho các lực lượng an ninh Afghanistan là “cột mốc then chốt” trong quá trình rút quân, song vẫn khẳng định quân đội Mỹ vẫn có quyền bảo vệ các lực lượng Afghanistan.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố “các quyền đó vẫn tồn tại”, nhưng không nói rõ khi nào có thể chấm dứt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quá trình rút quân vẫn theo tiến độ, nhưng một số lực lượng Mỹ sẽ vẫn ở lại Afghanistan vào tháng 9, trong kế hoạch “rút lui có chừng mực với các đồng minh”.
Căn cứ không quân Bagram cách thủ đô Kabul khoảng 1 giờ lái xe và là nơi quân đội Mỹ phối hợp chiến tranh trên không và hỗ trợ hậu cần cho toàn bộ lực lượng ở Afghanistan.
“Chúng tôi xem việc rút lui này là một bước tích cực. Người Afghanistan có thể tiến gần hơn đến ổn định và hòa bình với sự rút lui hoàn toàn của các lực lượng nước ngoài”, theo phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của lực lượng Taliban.
Hơn 3.500 binh sĩ nước ngoài đã thiệt mạng ở Afghanistan. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Kabul cho rằng Washington và các đồng minh NATO “đã thắng nhiều cuộc chiến, nhưng đã thua trong chiến tranh ở Afghanistan”.
Tại Bagram, trên vùng đồng bằng bao quanh bởi những đỉnh núi phủ tuyết của dãy Hindu Kush, các lính cứu hỏa và cảnh sát thành phố New York đã chôn một mảnh vỡ từ Trung tâm Thương mại thế giới vào tháng 12.2001.
Đây còn là nơi CIA điều hành một trung tâm giam giữ “điểm đen”, nơi các nghi phạm khủng bố đối diện tình trạng bị lạm dụng và cựu Tổng thống Barack Obama sau đó thừa nhận về việc tra tấn.
Căn cứ sau đó phát triển thành một khu đông đúc phục vụ các lực lượng binh sĩ quốc tế, với các nhà hàng thức ăn nhanh, phòng tập thể hình và quán cà phê. Căn cứ có 2 đường băng và nhiều nhà lãnh đạo cũng như nhân vật nổi tiếng từng đến đây.
Bình luận (0)