Mỹ sắp chấm dứt thập niên 'quá giang' Nga để vào vũ trụ

11/04/2020 08:00 GMT+7

Tàu con thoi Soyuz của Nga được phóng thành công ở Kazakhstan vào tối 9.4 (theo giờ địa phương) đưa 2 phi hành gia Nga và 1 phi hành gia Mỹ đến Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Chuyến đi này đã được diễn ra đúng kế hoạch mặc dù Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ NASA đang phải cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà sau khi có nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Chuyến bay mang ý nghĩa lịch sử, báo hiệu sự kết thúc phụ thuộc của NASA vào Nga kể từ năm 2011 đến nay trong việc đưa phi hành gia Mỹ lên ISS và quay trở về trái đất. Tạp chí Wired dẫn lời người phát ngôn NASA cho biết, ghế của phi hành gia Chris Cassidy khả năng cao sẽ là ghế cuối cùng cơ quan này mua từ Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos.
Hai bên vẫn chưa công bố hợp đồng mua ghế mới vì NASA cho rằng chi phí Nga đưa ra ngày càng đắt đỏ trong khi họ đang có thêm các lựa chọn khác. Trang CBS News ngày 8.4 đưa tin tàu con thoi Dragon của Công ty SpaceX (Mỹ) đã sẵn sàng cho nhiệm vụ đưa phi hành đoàn của NASA tới trạm vũ trụ từ bệ phóng ở Florida vào cuối tháng 5. Hãng sản xuất máy bay Boeing cũng đang khẩn trương khắc phục các sự cố xảy ra trong đợt thử nghiệm tàu vũ trụ năm ngoái để có thể quay trở lại bay trong năm nay. “Chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi sẽ đưa được các phi hành gia Mỹ vào vũ trụ bằng tàu con thoi Mỹ ngay trên đất Mỹ”, quản trị viên NASA Jim Bridenstine từng khẳng định trong cuộc họp báo hồi tháng 12.2019.

[VIDEO] NASA, tỉ phú Elon Musk quyết tâm đưa người Mỹ lên không gian bằng tàu SpaceX

Kể từ năm 2014, Boeing và SpaceX đã được NASA đầu tư gần 7 tỉ USD với mong muốn sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào tàu vũ trụ Nga.
Một chỗ ngồi trong tàu con thoi Soyuz hiện tại có giá 86 triệu USD, tăng gần 400% so với 15 năm trước đó. Trong 10 năm qua từ lúc kết thúc chương trình “Tàu con thoi” vì những sự cố nghiêm trọng đến nay, NASA đã phải trả cho Nga tới 3,9 tỉ USD để đưa các phi hành gia Mỹ lên ISS. Tuy đắt đỏ là vậy, nhưng NASA không thể không chi tiền vì không muốn gián đoạn sự hiện diện của Mỹ ở Trạm vũ trụ quốc tế.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.