Myanmar chật vật giữa 'khủng hoảng kép'

Ngọc Mai
Ngọc Mai
18/03/2021 07:00 GMT+7

Nền kinh tế vốn còn yếu ớt của Myanmar đang trải qua thử thách lớn khi vừa phải loay hoay tìm đường giữa đại dịch, vừa bị tác động tiêu cực bởi bất ổn chính trị chưa có hồi kết.

Thập niên 2010 với quá trình chuyển sang nền dân chủ đã thắp lên hy vọng chuyển mình cho đất nước Myanmar cả về kinh tế - xã hội. Thế nhưng, lạc quan chưa được bao lâu thì quốc gia Đông Nam Á lại phải đối diện cuộc khủng hoảng kép, đẩy tương lai tới thế bế tắc và mờ mịt.

Bước lùi kinh tế

Theo trang Nikkei Asia, kể từ sau cuộc chính biến ngày 1.2, nền kinh tế Myanmar có nhiều chỉ dấu thụt lùi rõ ràng. Hoạt động của các nhà máy tại nước này đã rơi xuống mức thấp kỷ lục. Theo IHS Markit (Anh), chỉ số quản lý thu mua sản xuất (PMI) của Myanmar đã giảm từ 47,8 vào tháng 1 xuống 27,2 trong tháng 2. Chỉ số hoạt động của các nhà máy cũng chạm mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2018. Khảo sát này dựa trên những thay đổi trong sản lượng, đơn đặt hàng mới của doanh nghiệp. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đã bị thu hẹp.
Trong khi đó, tháng 2 cũng chứng kiến sự sụt giảm tới 86% về số doanh nghiệp đăng ký mới ở Myanmar. Cụ thể, chỉ 188 doanh nghiệp đăng ký mới, trong khi tháng 1 là 1.373, theo số liệu của Tổng cục Đầu tư và Quản lý doanh nghiệp Myanmar. Tình hình đầu tư vào nước này cũng trở nên báo động. Các chuyên gia từ Tập đoàn Moody’s (Mỹ) nhận định việc Myanmar rơi vào bất ổn chính trị không chỉ tác động đến các khoản đầu tư mới mà giới đầu tư còn có thể rút lại các khoản đầu tư hiện có. Kể từ đầu tháng 3, các công ty khởi nghiệp ở Myanmar cũng không huy động được dòng vốn mới.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán non trẻ chỉ mới hơn 5 năm tuổi của Myanmar cũng gặp nhiều khó khăn và chịu thiệt hại nặng nề. Cụ thể, sàn giao dịch phải dừng đột ngột trong hai ngày 1 - 2.2. Những ngày sau đó, dù khôi phục nhưng tổng khối lượng giao dịch cũng giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020. Sự kiện chính biến khiến chỉ số chứng khoán MYANPIX lao dốc. Nhiều lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, vận tải, viễn thông ở Myanmar đều lâm nguy.

Báo động đỏ

Trong khi đó, Reuters dẫn thông tin từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cảnh báo giá lương thực và nhiên liệu đang tăng cao bất thường ở nhiều khu vực tại Myanmar, có thể đe dọa cuộc sống của những nhóm người dễ tổn thương nhất ở nước này. Giá gạo đã tăng 35% ở bang Kachin, trong khi giá dầu ăn và bột đậu tăng mạnh ở bang Rakhine. Giá dầu cọ tăng 20% tại hai thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay. Tính trên cả nước, chi phí nhiên liệu tăng 15% kể từ khi cuộc chính biến xảy ra.
Đại diện WFP tại Myanmar Stephen Anderson cảnh báo nếu tiếp diễn đà tăng giá và kéo dài thì những người nghèo và dễ bị tổn thương vốn đã phải chạy ăn từng bữa ở nước này sẽ sớm không có đủ đồ ăn. Trước khi xảy ra chính biến, nhiều người dân đã chật vật vì tác động của đại dịch Covid-19 khi lượng kiều hối giảm, các nhà máy đóng cửa dẫn đến mất việc làm.

Covid-19 đeo bám

Không chỉ với nỗ lực phát triển kinh tế, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Myanmar cũng gặp khó. Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, tính đến hôm qua đã có hơn 142.000 ca nhiễm với hơn 3.200 trường hợp tử vong. Cũng theo bộ này, số lượt xét nghiệm SARS-CoV-2 trên cả nước đã giảm đáng kể. Giờ đây, mỗi ngày Myanmar chỉ xét nghiệm khoảng 1.200 mẫu, giảm từ 10.000 mẫu hồi đầu tháng 3 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 17.000 mẫu trước khi xảy ra chính biến.

Nhiều người Myanmar chạy sang Ấn Độ lánh nạn bạo lực

Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ bày tỏ quan ngại rằng năng lực xét nghiệm Covid-19 cũng như kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Myanmar đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến Myanmar càng khó khăn hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra.
Reuters hôm qua đưa tin Ủy ban Tăng đoàn nhà nước Maha Nayaka, tổ chức Phật giáo quyền lực nhất Myanmar, đã lên tiếng chỉ trích các hành động giết chóc, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự chấm dứt bạo lực đối với người biểu tình. Tổ chức này dự định ngừng các hoạt động Phật giáo để phản ứng với hành động của chính quyền. Tuy nhiên, thông cáo và các quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi họ tham vấn Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề tôn giáo vào hôm nay 18.3. LHQ cho biết có ít nhất 138 người biểu tình thiệt mạng, trong khi một nhóm quan sát thông tin đã có hơn 180 người chết, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.