Trong thông báo đăng trên Twitter ngày 28.2 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: “Chúng tôi sát cánh cùng người dân Myanmar dũng cảm và kêu gọi mọi quốc gia cùng lên tiếng ủng hộ ý chí của họ”. Ngay sau đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh nước này chuẩn bị “các hành động bổ sung” trong vài ngày tới nhằm vào những người đứng sau vụ sử dụng vũ lực ở Myanmar.
Cũng liên quan vụ nổ súng vào người biểu tình ở Myanmar, Reuters dẫn lời phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho hay: “Việc sử dụng vũ lực gây chết người chống lại người biểu tình ôn hòa và bắt giữ tùy tiện là không thể chấp nhận được. Tổng thư ký LHQ (Antonio Guterres) kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau gửi tín hiệu rõ ràng tới quân đội Myanmar rằng họ phải tôn trọng ý nguyện của người dân Myanmar như được thể hiện qua cuộc bầu cử”.
Còn Cao ủy chính sách đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell thì tuyên bố khối này sẽ sớm có các biện pháp trước những diễn biến ở Myanmar.
“Bạo lực sẽ không mang lại tính hợp pháp cho việc lật đổ chính phủ được dân bầu ra. Khi nổ súng vào những công dân không có vũ khí, lực lượng an ninh đã thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và phải bị xử lý trách nhiệm”, ông Borrell nói thêm. Các bộ trưởng châu Âu đã đồng ý về lệnh cấm vận đối với quân đội Myanmar và quyết định ngưng một số viện trợ phát triển cho nước này.
Theo Reuters, những người biểu tình ngày 1.3 tiếp tục xuống đường ở Yangon cùng nhiều thành phố khác tại Myanmar. Trong khi đó, AFP dẫn lời ông Khin Maung Zaw, luật sư của bà Aung San Suu Kyi, cho biết bà đã tham dự phiên tòa ngày 1.3 thông qua hình thức gọi video và bà trông vẫn khỏe mạnh. Theo ông Zaw, bà Suu Kyi chịu thêm hai cáo buộc là vi phạm luật truyền thông cũng như có ý định kích động bất ổn công cộng. Trước đó, bà Suu Kyi đã bị buộc tội vi phạm luật xuất nhập khẩu và vi phạm luật quản lý thiên tai của Myanmar. Luật sư Zaw nói thêm phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15.3.
Theo Hãng Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Myanmar đã ra thông báo giới hạn rút tiền từ các ngân hàng và máy rút tiền ATM. Theo đó kể từ ngày 1.3, hạn mức rút tiền từ tài khoản của mỗi cá nhân là 2 triệu kyat/tuần (khoảng 32 triệu đồng) và ở doanh nghiệp là 20 triệu kyat/tuần. Trong khi đó, hạn mức rút tiền ATM là 500.000 kyat/ngày, bằng một nửa hạn mức trước kia. Ngân hàng Trung ương Myanmar cho biết chính sách này là nhằm “thúc đẩy việc chuyển sang nền kinh tế số” bằng việc giảm sử dụng tiền mặt trong các cơ quan chính phủ và trong dân.
|
Bình luận (0)