Reuters ngày 16.3 đưa tin các chuyên gia Đại học bang Michigan (MSU-Mỹ) đang bắt đầu nghiên cứu lưu vực sông Mê Kông nhằm tìm cách cải tiến các đập thủy điện để giảm thiểu thiệt hại cho con người và môi trường.
Dự án sẽ kéo dài 3 năm, được thực hiện tại các nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam với tổng kinh phí 3 triệu USD (68,3 tỉ đồng) do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ.
Giáo sư Daniel Kramer chuyên nghiên cứu về thủy sản và động vật hoang dã tại MSU cho biết tác động lớn nhất của việc xây đập là giải tỏa và di dời.
“Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các con đập cũng gây vô số tác hại khó nhận diện hơn đối với người dân và hệ sinh thái”, ông Kramer cảnh báo.
Chẳng hạn như đang có nhiều quan ngại về tác hại đối với nông nghiệp và thủy sản ven lưu vực sông Mê Kông, nguồn thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới và nơi cư trú của 60 triệu người.
Ông Kramer cho biết tác động lên môi trường có thể gây những biến đổi lớn về cấu trúc kinh tế và xã hội của cộng đồng.
Theo Reuters, việc xây đập đang tăng trở lại trên thế giới với nhiều dự án do Trung Quốc cấp vốn, vì nhiều nước đang xoay sở tìm nguồn năng lượng trước tình trạng dân số tăng.
Theo các giáo sư MSU, sông Mê Kông hiện có 11 đập thủy điện trên dòng chính và hơn 100 đập khác trên phụ lưu. Họ sẽ phân tích ảnh hưởng của đập đối với dòng chảy, nông nghiệp, thủy sản, hệ thống tưới tiêu và hệ sinh thái vùng ngập nước.
Bên cạnh phân tích hình ảnh vệ tinh, họ sẽ phát triển mô hình mô phỏng dòng chảy trước đây cũng như dự báo những biến đổi trong tương lai.
Người dân cũng sẽ được phỏng vấn để xem họ xoay sở như thế nào trước tình trạng mất đất ngập mặn và nguồn thủy sản.
Nhóm nghiên cứu sẽ thường xuyên đưa ra các kết quả và tổ chức hội thảo trước khi đưa ra báo cáo sau cùng. Kết quả từ dự án có thể sẽ được áp dụng nhằm cải thiện các đập thủy điện khác trên thế giới.
Hiện công tác chuẩn bị đang được tiến hành và dự kiến việc nghiên cứu tại hiện trường sẽ bắt đầu vào tháng 5.
Bình luận (0)