“Tôi tin rằng chúng ta nên dần đi đến một cách làm việc chung trong từng phần của thỏa thuận Minsk, trong mỗi bước đơn lẻ, các biện pháp trừng phạt sẽ dần được gỡ bỏ”, Reuters dẫn lời ông Sebastian Kurz trong một cuộc thảo luận trên đài quốc gia ORF TV ngày 19.6.
Thỏa thuận Minsk, được thông qua ở thủ đô Minsk của Belarus, gồm những thảo luận giữa Nga và phương Tây về việc ngưng bắn và ổn định tình hình cho miền đông Ukraine.
tin liên quan
EU gia hạn trừng phạt Crimea, ông Putin vẫn không ‘ác cảm’Liên minh châu Âu (EU) hôm 17.6 quyết định gia hạn lệnh trừng phạt bán đảo Crimea đến giữa năm 2017, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nói rằng muốn Nga và EU tăng cường hợp tác.
Các tay súng nổi dậy ở khu vực này đã giao tranh với quân đội chính phủ Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga tiếp tay và kêu gọi Moscow tác động để hoàn tất việc ngưng bắn và tìm giải pháp.
Thỏa thuận Minsk được cho là một trong những điều kiện tiên quyết ảnh hưởng tới lệnh trừng phạt mà EU và Mỹ áp đặt lên Nga từ năm 2014 tới nay. Mặc dù vậy, phương Tây vẫn đổ lỗi cho Nga về việc không nhanh chóng thực hiện trọn vẹn thỏa thuận này, và cân nhắc sẽ tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt lên Nga đến cuối năm 2016.
Theo ông Kurz, EU nên tìm tiếng nói chung với Nga để tháo gỡ nút thắt này và khẳng định đó là giải pháp tốt trong trung hạn. Ngoại trưởng Áo cũng “hy vọng điều này được đón nhận một cách phù hợp”.
Nhận xét của ông Sebastian Kurz có thể xem là tín hiệu tốt cho mối quan hệ giữa Nga và EU. Cuối tuần trước, tại Diễn đàn kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ ý hướng muốn cải thiện quan hệ giữa Nga và EU, đặc biệt khi hai bên vẫn cần hợp tác ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây cũng như EU nói riêng nổ ra từ năm 2014, sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Kinh tế của Nga sa sút một phần vì lệnh cấm vận, cộng thêm giá dầu xuống thấp kỷ lục. Ngược lại, EU cũng đương đầu với tình trạng trì trệ kinh tế và cũng đang phải lo lắng về viễn cảnh nước Anh, một thành viên quan trọng, đang sắp tiến hành bỏ phiếu xem có tiếp tục ở lại khối này hay không.
Bình luận (0)