Tại hội trường của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Ngoại trưởng Kerry dí dỏm nói rằng “Không khí trẻ trung trong phòng này giúp tóc tôi biến thành màu nâu trở lại”. Ông cũng cảm ơn lãnh đạo nhà trường, và cho đây là một tuyệt vời để ông đến suy nghĩ về tương lai của quan hệ hợp tác song phương.
Ông nói rằng mình rất hân hạnh được trực tiếp chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại thời gian khi ông tham chiến ở miền nam Việt Nam, có lần ông đã xin nghỉ phép 3 ngày rời bỏ vùng sông nước ĐBSCL lên Sài Gòn để gặp gỡ bạn bè. “Hồi đó mọi người rất thích lên sân thượng khách sạn Rex, từ đó có thể quan sát khung cảnh của cuộc chiến, nghe thấy tiếng pháo, tiếng đạn. Cảm giác thật lạ...”.
|
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại lần tiếp đón Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thăm Mỹ theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 10.2016. “Chúng tôi đều là cựu chiến binh, đều mất những người bạn thân vì chiến tranh... Nhưng tôi đã nhìn thấy rất nhiều người trước đây chống lại việc xây dựng quan hệ Việt Nam - Mỹ bây giờ lại rất nhiệt tình đóng góp. Tất nhiên chúng ta không hề quên quá khứ, nhưng chúng ta không thể trở thành tù nhân của quá khứ, và chúng ta đã không như thế. Đó là lý do vì sao tôi đến và nói chuyện với các bạn hôm nay”.
|
Ông Kerry cũng nhắc đến quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới, khi chính quyền của Tổng thống tân cử Donald Trump chính thức hoạt động. Theo ông, không có sự thay đổi chính quyền nào ở Mỹ làm thay đổi hoặc xói mòn cam kết của Mỹ với khu vực. Quan hệ Việt Nam - Mỹ không phụ thuộc vào cá nhân Tổng thống hay của đảng nào ở Mỹ mà dựa trên lợi ích chung, theo Ngoại trưởng Kerry.
Về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Kerry khẳng định: “Không có gì bí mật khi nói tương lai của TPP là không rõ ràng, không biết chính quyền mới của Mỹ sẽ làm gì với TPP. Nhưng tôi tin rằng nhu cầu giao thương sẽ không thể thay đổi, Mỹ vẫn cần phải bán hàng. Việc người Mỹ mất việc là vì yếu tố công nghệ chứ không phải là vì các hiệp định thương mại. Ví dụ máy móc làm việc hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, chứ không phải mất việc làm vì các hiệp định thương mại. Sự bảo hộ mậu dịch sẽ không có ý nghĩa.
Việt Nam cũng sẽ phải lựa chọn. Tôi biết rằng khu vực này sẽ có những lựa chọn khác, sẽ có một số nước có những thỏa thuận nhanh, không theo những tiêu chuẩn cao về môi trường, về nhân lực... Nhưng tôi rất mong các bạn sẽ theo con đường hợp tác với những nước theo đuổi những tiêu chuẩn cao này”.
|
Bình luận (0)