Người đưa Taliban trở lại đỉnh cao quyền lực tại Afghanistan

18/08/2021 18:00 GMT+7

Ông Mullah Abdul Ghani Baradar, đồng sáng lập và là nhân vật số hai của Taliban, được cho là người sẽ lãnh đạo chính quyền mới tại Afghanistan.

AFP ngày 17.8 đưa tin lãnh đạo chính trị của Taliban, ông Mullah Abdul Ghani Baradar đã từ Qatar về nước, 20 năm từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ. Một phát ngôn viên của Taliban xác nhận ông Baradar đã về thành phố Kandahar, nơi thành lập của Taliban. Trong hệ thống của Taliban, ông Baradar hiện chỉ đứng sau thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada.

Người thành lập Taliban

Ông Baradar là người Pashtun, sinh ra tại làng Weetmak ở tỉnh Uruzgan vào năm 1968. Thời trẻ, ông tham gia lực lượng Hồi giáo Mujahideen chống lại chính quyền do Liên Xô ủng hộ. Cũng từ trong cuộc chiến này, Baradar gặp gỡ và vào sinh ra tử cùng người sau này là thủ lĩnh của Taliban là Mullah Mohammad Omar. Cái tên Baradar là do ông Omar đặt cho, nghĩa là “anh em”.
Giữa những bất ổn và tham nhũng trong cuộc nội chiến sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989, cả hai cùng thành lập Taliban vào năm 1994 tại tỉnh Kandahar miền nam Afghanistan với mục tiêu thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo.

Ông Baradar là người vào sinh ra tử cùng cố thủ lĩnh Taliban Mullah Omar

Reuters

Nhờ sự ủng hộ về tôn giáo, lòng căm thù đối với các lãnh chúa và sự hỗ trợ từ lực tình báo Pakistan ISI, Taliban nhanh chóng chiếm được quyền kiểm soát Kabul chỉ 2 năm sau đó. Ông Baradar được coi là có tài thao lược và là kiến trúc sư cho các chiến thắng dưới sự lãnh đạo tối cao của Mullah Omar.
Trong thời gian 5 năm Taliban nắm quyền tại Afghanistan, ông Baradar giữ nhiều vai trò về quân sự lẫn quản lý chính quyền.

Taliban là ai và vì sao muốn chiếm chính quyền Afghanistan?

Năm 2001, Mỹ lật đổ chính quyền Taliban vì không chịu giao nộp Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda đứng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9 tại Mỹ. Ông Baradar, lúc này là Thứ trưởng Quốc phòng, cùng lực lượng Taliban tháo chạy. Bản thân ông này bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, đóng băng hết tài sản.

Thay đổi Taliban

Trong thời gian lẩn trốn tại Pakistan, ông Baradar vẫn là một trong những lãnh đạo của hội đồng lãnh đạo lưu vong của Taliban, gọi là Quetta Shura. Theo tờ The Guardian, ông Baradar được giới ngoại giao phương Tây cho là thuộc nhóm phản đối quyết liệt nhất sự ảnh hưởng của ISI và tìm cách tiếp xúc chính trị với chính quyền Kabul.
Những liên lạc bí mật giữa Taliban và giới ngoại giao quốc tế được cho là diễn ra từ năm 2007 hoặc sớm hơn. Chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush phản đối tiếp xúc chính trị với Taliban nhưng lập trường này có phần thay đổi dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama dù vẫn dè dặt, theo chuyên gia Kristian Berg Harpviken tại Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy).

Đại diện đặc biệt Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad và ông Baradar bắt tay sau khi ký thỏa thuận về Afghanistan hồi tháng 2.2020 tại Qatar

AFP

Ông Baradar được cho là một trong số vài thành viên Taliban gửi bức thư cho Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai về thỏa thuận mà Taliban sẽ công nhận chính quyền mới. Ông Baradar những năm đó cũng được cho là đại diện cho lãnh đạo Taliban đối thoại với nhiều bên, trong đó có cả Mỹ thông qua Ả Rập Xê Út.
Tuy nhiên, chính quyền Obama lo ngại năng lực quân sự của ông Baradar hơn là hy vọng vào thiên hướng ôn hòa của ông. Giữa năm 2009, lãnh đạo Taliban đột ngột hủy đối thoại, chỉ trích Mỹ lên kế hoạch đánh bại Taliban khi tăng quân và không kích, theo CNN.

Bị bắt và sự quay trở lại

Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lần ra dấu vết của Baradar vào năm 2010 tại Karachi (Pakistan) và vào tháng 2 năm này gây sức ép để ISI bắt giữ. Việc Pakistan bắt ông Baradar được coi là sự thay đổi lớn của nước này. Có những ý kiến cho rằng Pakistan muốn khẳng định sức ảnh hưởng của nước này tại Afghanistan và mọi cuộc đàm phán về tương lai Afghanistan đều phải có mặt Pakistan. Cũng có ý kiến khác cho rằng giới lãnh đạo Pakistan nhận thấy an ninh lâu dài của đất nước phụ thuộc vào Mỹ chứ không phải là Taliban.

Ông Baradar bị Pakistan bắt giữ năm 2010

Reuters

Năm 2018, Pakistan thả ông Baradar theo yêu cầu của Mỹ, trong lúc Washington muốn tìm kiếm một thỏa thuận để rút khỏi Afghanistan. Ông Baradar đại diện cho Taliban tham gia đàm phán tại Doha (Qatar).
Tháng 2.2020, Mỹ và Taliban đạt thỏa thuận lịch sử để Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan. Đổi lại, Taliban cam kết không để các nhóm cực đoan dùng lãnh thổ Afghanistan tấn công Mỹ, đồng thời tham gia đối thoại chia sẻ quyền lực với chính quyền Kabul.
Ông Baradar trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của Taliban, gia tăng mối quan hệ ngoại giao của tổ chức. Trong lần nắm quyền trước, chỉ có 3 nước công nhận Taliban là Pakistan, Ả Rập Xê Út và UAE. Tuy nhiên lần này, Taliban đã mở rộng giao thiệp nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế. Ông Baradar năm ngoái điện đàm với ông Trump, gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đến Moscow đàm phán với các bên. Tháng trước, ông đến Trung Quốc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị. Những chuyến đi được cho là đã mang lại thành quả khi cả Nga và Trung Quốc đều bắn tín hiệu tích cực sau khi Taliban kiểm soát Kabul.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.