Nguồn gốc đặc biệt của núi lửa gây sóng thần khiến 168 người thiệt mạng ở Indonesia
23/12/2018 14:29 GMT+7
Cơ quan địa chất Indonesia cho biết đảo núi lửa Anak Krakatau đã phun trào khoảng 24 phút trước khi các đợt sóng thần cao từ 3-5m ập vào bờ biển hai đảo Java, Sumatra khiến ít nhất 168 người chết và hàng trăm người bị thương.
Tự động phát
Anak Krakatau là một hòn đảo núi lửa cỡ nhỏ,cao 305 m nằm ở eo biển Sunda giữa 2 đảo Java và Sumatra. Cái tên Anak Krakatau có nghĩa là “Đứa con của Krakatau”, hàm ý nói về nguồn gốc đặc biệt của núi lửa này.
Ngày 26.8.1883 đã xảy ra một trong những thảm họa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại khi núi lửa Krakatau bùng nổ dữ dội. Theo tờ The Independent, sức nổ tương đương 200 megaton TNT, tức gấp 13.000 lần quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima trong Thế chiến 2.
[VIDEO] Sóng thần ở Indonesia, hơn 220 người chết
|
Hậu quả là ít nhất gần 37.000 người thiệt mạng, hàng trăm làng mạc, thị trấn bị xóa sổ và cấu trúc địa lý của nhóm đảo Krakatau bị thay đổi dữ dội. Thậm chí, chấn động lan tới cả thành phố Perth của Úc cách đó hơn 3.000 km còn nhiều nơi khác trên khắp thế giới đều rung lắc.
Đến năm 1927, phún thạch và dung nham từ vụ phun trào năm 1883, sau một thời gian tích tụ cộng thêm các hoạt động địa chất khác khiến một hòn đảo núi lửa nhỏ trồi lên tại khu vực eo biển Sunda. Đó chính là núi lửa Anak Krakatau vừa gây thảm họa mới vào tối 22.12.
Núi lửa này đã bắt đầu có dấu hiệu hoạt động liên tục từ tháng 6 và giới hữu trách hồi tháng 7 đã ra lệnh phong tỏa khu vực bán kính 2 km kể từ miệng núi lửa.
|
Hiện giới chuyên gia vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân của các đợt sóng thần. AP dẫn lời Gegar Prasetya, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Sóng thần Indonesia, phân tích lý do khả dĩ nhất là một phần lớn của sườn đảo núi lửa bị sập trong lòng biển hoặc bên trên mặt nước.
Bên cạnh đó, giới chức Indonesia lên tiếng xin lỗi vì không kịp thời đưa ra cảnh báo sóng thần. Họ thừa nhận lúng túng trong cách xử lý vì sóng thần lần này không phải do động đất gây ra.
"Không có trận động đất nào và vụ phun trào Anak Krakatau cũng không lớn lắm", phát ngôn viên Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Sutopo Purwo Nugroho viết trên Twitter và cho biết thêm sóng thần kích hoạt bởi núi lửa phun trào là hiện tượng hiếm.
Bình luận (0)