Năm 1959, Hiệp ước về Nam Cực được ký kết giữa 12 quốc gia với nội dung chính là chỉ được phép tiến hành nghiên cứu khoa học và cấm hoàn toàn mọi hành động quân sự ở Nam Cực. Cho đến nay có 54 quốc gia trên thế giới tham gia Hiệp ước về Nam Cực. Chile cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Argentina là 6 nước có trạm nghiên cứu riêng ở Nam Cực. Vấn đề chủ quyền quốc gia không được đặt ra trong hiệp ước trên.
Ông Boric đã tạo tiền lệ mới khi đích thân tới thăm Nam Cực và xác lập quyền của Chile về chủ quyền đối với Nam Cực. Cho tới nay, ông Boric là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tới Nam Cực và lại còn khẳng định Chile có quyền chủ quyền ở Nam Cực.
Trong số 6 nước hiện có trạm nghiên cứu ở Nam Cực, Chile và Argentina gần Nam Cực hơn cả về địa lý. Sự gần gũi về địa lý này đóng vai trò rất quyết định tới quyết sách của ông Boric xác lập quyền chủ quyền của Chile ở Nam Cực. Biến đổi khí hậu trái đất làm băng giá tưởng vĩnh cửu bị dần tan. Khoa học, kỹ thuật và công nghệ phát triển giúp cho việc khai phá và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ở cả Bắc Cực lẫn Nam Cực trở nên khả thi hơn và hứa hẹn thành công hơn. Cuộc ganh đua giữa nhiều đối tác với nhau trên thế giới giành quyền kiểm soát lãnh thổ trên Bắc Cực và Nam Cực trở nên quyết liệt hơn.
Ông Boric đón bắt chiều hướng diễn biến ấy cho Chile và chủ ý đi trước những đối tác khác trong chừng mực có thể và ở thời điểm vẫn có thể đi trước được. Hệ lụy giờ không thể tránh khỏi là không những chỉ có chuyện nghiên cứu khoa học mà còn cả chuyện chủ quyền quốc gia sẽ trở nên sôi động hơn ở Nam Cực, biến châu lục lạnh giá này thành điểm nóng mới về địa chính trị thế giới.
Bình luận (0)