Tổng thống Chile 'khẳng định chủ quyền' ở Nam Cực bằng chuyến thăm lịch sử

Khánh An
Khánh An
04/01/2025 09:41 GMT+7

Tổng thống Chile Gabriel Boric đến Nam Cực, trở thành nhà lãnh đạo châu Mỹ La tinh đầu tiên đến vùng đất băng giá này, trong chuyến đi nhằm 'khẳng định chủ quyền' đối với một phần Nam Cực.

Tổng thống Chile 'khẳng định chủ quyền' ở Nam Cực bằng chuyến thăm lịch sử- Ảnh 1.

Tổng thống Chile Gabriel Boric

ẢNH: REUTERS

Hãng AFP ngày 4.1 đưa tin Tổng thống Chile Gabriel Boric có chuyến thăm lịch sử đến Nam Cực để khẳng định "tuyên bố chủ quyền" của nước này đối với một phần vùng đất băng giá này.

Văn phòng của nhà lãnh đạo 39 tuổi này cho biết ông lên đường vào ngày 3.1 (giờ địa phương). Ông Boric là nhà lãnh đạo đầu tiên ở châu Mỹ La tinh đến Nam Cực.

"Đây là một cột mốc đối với chúng ta. Đây là lần đầu tiên một tổng thống của Chile đến Nam Cực và nói về sứ mệnh của Chile tại đây", ông Boric phát biểu trên Đài truyền hình Chile.

Tổng thống Boric, cùng với các bộ trưởng quốc phòng và môi trường cũng như 3 chỉ huy quân sự, đã đến trạm Nam Cực Amundsen - Scott, một cơ sở nghiên cứu của Mỹ, lúc 20 giờ GMT (3 giờ ngày 4.1 tại Việt Nam), văn phòng của ông cho biết.

Tổng thống Chile 'khẳng định chủ quyền' ở Nam Cực bằng chuyến thăm lịch sử- Ảnh 2.

Tổng thống Boric khởi hành từ khu vực Punta Arenas ở miền nam Chile trên một máy bay vận tải quân sự Hercules C-130.

ẢNH: X GABRIEL BORIC

Nhà lãnh đạo Chile dự định sẽ dành khoảng 2 giờ tại cơ sở trên, ở một trong những khu vực xa xôi hiểm trở nhất hành tinh. Ông cho biết chuyến đi "là sự xác nhận tuyên bố chủ quyền của chúng tôi" đối với một phần Nam Cực.

Trong thế kỷ 20, các quốc gia như Chile, Pháp, Mỹ, Anh, Argentina và Nhật Bản đã thành lập các trạm nghiên cứu ở Nam Cực, vừa để nghiên cứu khoa học vừa thiết lập sự hiện diện ở khu vực này.

Từ năm 1961, các hoạt động trong khu vực được điều chỉnh bởi Hiệp ước Nam Cực, nhằm bảo vệ lục địa này và các vùng biển xung quanh khỏi các cuộc cạnh tranh địa chính trị.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 7 quốc gia bao gồm Chile duy trì các yêu sách lãnh thổ ở Nam Cực, nhưng "Mỹ và hầu hết các quốc gia khác không công nhận các yêu sách đó".

Tổng thống Boric bắt đầu chuyến đi của mình từ khu vực Punta Arenas ở miền nam Chile đến trạm nghiên cứu của Chile trên sông băng Union ở Nam Cực trên một máy bay vận tải quân sự Hercules C-130.

Chuyến thăm của ông Boric diễn ra "vào thời điểm quan trọng đối với các nỗ lực khoa học của Chile trong khu vực", văn phòng của ông cho biết.

Trước đây, Chile tập trung nghiên cứu ở phía bắc Nam Cực, nhưng quốc gia Nam Mỹ này đang hy vọng mở rộng nỗ lực của mình tới các vùng biển Bellingshausen và Weddell.

Năm 2007, Thủ tướng New Zealand khi đó là bà Helen Clark đã thực hiện chuyến đi đến Nam Cực, tiếp theo là cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg vào năm 2011. Chuyến đi của ông Stoltenberg diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm chuyến đi của nhà thám hiểm người Na Uy Roald Amundsen vào tháng 12.1911.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.