Nguy cơ chạy đua hạt nhân Nga - Mỹ

26/06/2017 06:54 GMT+7

Quốc hội Mỹ đang gây áp lực buộc Nhà Trắng rút khỏi một hiệp ước hạt nhân then chốt với Nga, kéo theo nguy cơ chạy đua vũ trang mới.

Các nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ, bao gồm cả nhiều thành viên đảng Cộng hòa, đang thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký năm 1987. Trong đó, hai bên cam kết tiêu hủy và không sử dụng tên lửa phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.
Chuyên san Politico hôm qua dẫn lời nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Tiểu ban các lực lượng chiến lược chịu trách nhiệm giám sát vũ khí hạt nhân của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, tuyên bố Washington “không thể tiếp tục thực thi một hiệp ước khi mà bên còn lại đã chối bỏ từ lâu”. Trước đó, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF khi “bí mật triển khai ít nhất một khẩu đội tên lửa hành trình SSC-8” ở biên giới với các nước châu Âu. Theo giới quan sát, nhiều khả năng đây là phiên bản trên bộ của tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu chiến, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov liên tục nhấn mạnh Moscow hoàn toàn tuân thủ INF.
Theo Politico, thượng nghị sĩ Tom Cotton đề xuất dự luật tuyên bố Nga vi phạm INF, đồng thời cho phép Mỹ chuyển giao tên lửa tầm trung cho các đồng minh, thiết lập chương trình phát triển tên lửa mới cũng như cấp kinh phí 500 triệu USD cho các chiến lược đối phó Moscow. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng đang nỗ lực cưỡng lại áp lực từ quốc hội cũng như cảnh báo với Tổng thống Trump về những hậu quả khó lường nếu xé bỏ INF. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry cho rằng từ bỏ INF “chỉ có thể dẫn đến mối đe dọa lớn hơn”. Ông Richard Burt, nhà đàm phán chính của Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) ký với Liên Xô năm 1991, cảnh báo cấu trúc kiểm soát vũ khí song phương đang tan rã và nếu INF sụp đổ sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện.
Những thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh quan hệ song phương đang lâm vào căng thẳng cao độ sau vụ máy bay Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ Syria hồi tuần trước cũng như vì cuộc điều tra nghi vấn Moscow can thiệp vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Hôm 19.6, Moscow tuyên bố xem mọi máy bay thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu bay ở phía tây sông Euphrates (Syria) là mục tiêu tiềm tàng. Dù vậy, Reuters dẫn lời giới chức quân đội Mỹ cho hay vẫn tiếp tục duy trì đường dây nóng với Nga nhằm tránh nguy cơ va chạm trên không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.