Ông Zuckerberg đồng thời kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới có biện pháp quản lý về dữ liệu cá nhân, quảng cáo chính trị, tăng cường ngăn chặn những hoạt động can dự vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, theo AFP.
"Chúng tôi là công ty tư nhân nên không có công cụ để đảm bảo ngăn chặn được một nước khác, chẳng hạn chính phủ Nga, can dự vào các cuộc bầu cử như hồi bầu cử Tổng thống năm 2016", Zuckerberg nói.
"Kể từ năm 2016, chính phủ Mỹ không có bất kỳ hành động cụ thể nào để chống lại thông tin giả mạo trên mạng", theo CEO Facebook. Ông nhấn mạnh rằng công ty mạng xã hội này không phải người phán xét nội dung thật hay giả trên internet.
Ông Zuckerberg đồng thời cho biết Facebook đang chật vật tìm cách chống lại các video "deepfake" (tạm dịch: siêu giả mạo). "Deepfake" là kỹ thuật dùng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra video với nhân vật từ diện mạo cho đến lời nói giống như người thật, chẳng hạn các lãnh đạo thế giới. Mới đây, một đoạn video Zuckerberg siêu giả mạo đã xuất hiện trên Instagram của Facebook.
|
Trước đó, trong bài xã luận đăng trên tờ The Washington Post hồi tháng 4, ông Zuckerberg thừa nhận không thể tự thân loại trừ thông tin độc hại trên mạng xã hội và đề xuất khung pháp lý toàn cầu về quản lý internet.
Chính vì thế, các quốc gia trên thế giới đã và đang cân nhắc áp dụng luật mới nhằm tăng cường quản lý sát sao nội dung trên mạng xã hội.
Bình luận (0)