Nhật hoàng Akihito và những chuyến thăm lịch sử
Trong hơn 27 năm trị vì, những chuyến thăm nước ngoài ít ỏi của Nhật hoàng Akihito luôn hàm ý việc xoay trục trong chính sách ngoại giao của nước này.
Tự động phát
Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko đang có chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 28.2 - 5.3. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của vị vua 83 tuổi của Nhật Bản kể từ tháng 8.2016. Khi đó, ông đã tỏ ra lo ngại về tình trạng sức khỏe của mình sẽ khó có thể tiếp tục đảm đương các nhiệm vụ quan trọng.
Theo AFP, chuyến thăm Việt Nam của nhà vua Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì Nhật đang dẫn đầu về đầu tư và tài trợ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ với chính sách “nước Mỹ là số 1” đã khiến các nước trong khu vực xích lại gần nhau hơn, nhà nghiên cứu Hà Lan Jonathan London nhận định.
Theo nhà ngoại giao Nhật Tamaki Tsukada, các chuyến thăm nước ngoài của nhà vua Nhật Bản được xem là khá hiếm hoi và thường chỉ diễn ra một hay hai năm một lần. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của những chuyến thăm tới nước ngoài của Nhật hoàng Akihito, người không chỉ được xem là biểu tượng tinh thần của Nhật Bản mà còn là “đại sứ cao nhất” của nước này trong quan hệ đối ngoại, theo Nikkei Asian Review.
Thay đổi cán cân châu Á
Từ khi lên ngôi vào năm 1989 đến nay, Nhật hoàng Akihito chỉ đến thăm nước ngoài 20 lần (kể cả chuyến thăm Việt Nam), và mỗi chuyến thăm đều mang ý nghĩa trọng đại về quan hệ ngoại giao với các nước, trong đó có chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 2013. Theo tờ India Writes, chuyến thăm New Delhi đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ Nhật - Ấn vì khi đó các nền kinh tế hàng đầu châu Á đang vươn lên khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. “Những nhà nghiên cứu Nhật Bản lâu năm đều biết rõ chuyến thăm của hoàng gia Nhật luôn mang tầm quan trọng ghê gớm và có thể hàm ý xác định việc chuyển hướng ngoại giao của Tokyo”, tờ báo nhận định.
Ấn Độ đang nổi lên ở khu vực châu Á và được nhiều nước xem như “cầu nối” để cân bằng đối trọng về địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngược lại, Ấn Độ khi đó cũng rất trông đợi tăng cường quan hệ với Nhật. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Manmohan Singh trong chuyến thăm Tokyo cũng nhấn mạnh tầm nhìn chung của quan hệ kinh tế và an ninh Ấn-Nhật giữa bối cảnh vươn lên của châu Á.
Trước đó vào năm 1992, ông Akihito là Nhật hoàng đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Đó cũng là thời điểm Nhật bắt đầu mở cửa cho dòng vốn đầu tư, công nghệ và viện trợ ồ ạt chảy vào nước này. India Writes nhận định chính những điều này đã góp phần quan trọng trong việc giúp Trung Quốc vươn lên và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
|
Vị vua vì dân
Theo tờ The Diplomat, Nhật hoàng Akihito luôn nỗ lực tột bậc để trở thành “vị vua của nhân dân”, chăm lo cho người dân trong nước cũng như quan hệ giữa Nhật Bản với nước ngoài. Tại Nhật Bản, ông và hoàng hậu luôn có mặt tại những nơi đất nước hứng chịu thiên tai hay những sự cố nghiêm trọng để an ủi người dân. Trong số đó có thể kể đến trận động đất ở Kobe năm 1995, trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân năm 2011 và gần đây nhất là trận động đất ở Kumamoto vào tháng 5.2016.
Trong trận động đất kinh hoàng năm 2011 khi nhiều nơi ở Tokyo mất điện, ông đã lệnh cho hoàng cung tắt điện để chia sẻ khó khăn với người dân. Đây cũng là lần đầu tiên ông xuất hiện trên truyền hình kêu gọi người dân “đừng từ bỏ hy vọng, hãy chăm sóc lẫn nhau và mạnh mẽ sống cho ngày mai”. Lời kêu gọi của ông đã tạo hiệu ứng rộng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trên cả nước.
Trong khi những vị vua trước, kể cả cha ông là Nhật hoàng Hirohito thường lấy vợ là người từ một trong số ít gia đình danh giá thì ông Akihito lại lấy hoàng hậu Michiko, một “thường dân” mà ông gặp trên sân tennis. Với Nhật hoàng Akihito, hoàng gia trước đó vốn bị cho là xa cách đã được dân chúng yêu mến hơn.
Nhật hoàng Akihito luôn cố gắng thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình nhưng đồng thời cũng là tấm gương rằng người Nhật không bao giờ nên lãng quên quá khứ. Ông cũng dạy các con mình không được quên những gì người dân phải chịu đựng trong chiến tranh và chỉ định những ngày kỷ niệm để ghi nhớ ngay trong nội bộ hoàng thất. Không chỉ ở trong nước, ông và hoàng hậu cũng đã đến thăm nhiều nước mà quân đội Nhật có tham gia trong các trận chiến và ở những nơi này, ông luôn dành thời gian tưởng nhớ những nạn nhân.
Theo The Diplomat, sau khi nhìn thấy cha mình là Nhật hoàng Hirohito lèo lái qua giai đoạn khó khăn và khẳng định ngôi vị mình như một biểu tượng của sự hợp nhất trong nước, Nhật hoàng Akihito ghi dấu ấn của mình bằng cách trở thành một nguồn cảm hứng cho hòa bình.
Gần đây nhất, ông đang nỗ lực cải cách hoàng gia Nhật khi muốn nhường ngôi cho thái tử Naruhito (56 tuổi) trong thời gian tới. Đây được xem là một thay đổi lớn, vì từ trước tới nay thái tử chỉ lên ngôi sau khi nhà vua băng hà. Theo Nikkei Asian Review, một nhóm do chính phủ chỉ định sẽ xem xét việc này. Nhiều khả năng nhóm này sẽ đề xuất việc nhường ngôi sẽ chỉ thực hiện một lần và không lặp lại trong tương lai.
tin liên quan
Thái tử Nhật Bản sẵn sàng kế vịThái tử Naruhito, 57 tuổi, tuyên bố sẵn sàng trở thành Nhật hoàng kế tiếp sau khi phụ vương là Nhật hoàng Akihito năm ngoái bày tỏ mong muốn thoái vị.
Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito tuyên bố rằng không phải ông muốn mọi việc dễ dàng cho riêng mình mà việc nhường ngôi sẽ được duy trì trong các thế hệ tiếp theo. Thậm chí ông còn muốn người dân Nhật có ý kiến về việc thoái vị, hoặc thậm chí còn cởi mở hơn là muốn có quy định về việc nối ngôi cũng như ý nghĩa của Hoàng gia trong xã hội Nhật đương đại.
Nikkei Asian Review nhận định rằng Nhật hoàng Akihito đã không e ngại khi kêu gọi dân chủ và tranh cãi về một vấn đề bị xem là nhạy cảm. Một khảo sát do hãng tin Kyodo thực hiện vào cuối tháng 1 cho thấy hơn 63% người tham gia muốn cho phép các đời Nhật hoàng sau này có quyền thoái vị, trong khi gần 27% muốn việc thoái vị chỉ thực hiện một lần đối với Nhật hoàng Akihito.
|
Bình luận (0)