Nhật - Trung so kè năng lực tàu ngầm

Văn Khoa
Văn Khoa
18/10/2018 21:23 GMT+7

Nhật Bản và Trung Quốc được cho là đang cạnh tranh ưu thế trên biển, phô diễn khả năng tác chiến tàu ngầm ở châu Á.

Hồi tháng trước, Bộ Quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên xác nhận tàu ngầm nước này tham gia cuộc diễn tập ở Biển Đông. Động thái này theo sau việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận do Nga tổ chức ở vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên hồi năm ngoái, theo báo Nikkei Asian Review.
Giới chuyên gia quân sự Nhật mới đây quan sát lại kỹ sự di chuyển của 28 tàu Nga vào vùng biển nói trên và thấy có một tàu đặc biệt thu hút sự chú ý của họ. Đó là tàu tìm kiếm và cứu hộ Igor Belousov, được thiết kế để cung cấp hỗ trợ tàu ngầm gặp sự cố.
Giải cứu tàu ngầm được cho là một lĩnh vực mà Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện, biết rằng họ vẫn còn đứng sau hải quân Mỹ cũng như lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật. 
“Rất có khả năng, quân đội Trung Quốc đã điều tàu ngầm đến biển Nhật Bản để huấn luyện cùng với Nga, hoặc sẽ làm điều này trong tương lai”, một nguồn thạo tin nhận định với Nikkei Asian Review. Biển Nhật Bản là tên Tokyo gọi vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên.
Khi Nga tiến hành cuộc tập trận hải quân ở vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên hồi tháng 9.2017, Trung Quốc đã điều một tàu tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm. Vì vậy, giới chuyên gia tin rằng Bắc Kinh có thể đã điều tàu ngầm đến cùng khu vực với mục đích học hỏi kinh nghiệm từ hải quân Nga.
Tuy những tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình thu hút sự chú ý nhiều nhất, nhưng “thứ thay đổi cuộc chơi" thật sự của chiến lược hải quân ngày nay được cho là tàu ngầm.
Trung Quốc hiện đang bận rộn với việc phát triển tàu sân bay, nhưng loại tàu này cần một đội tàu ngầm hộ tống. Những tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc đã triển khai cũng cần có sự bảo vệ của tàu ngầm hộ tống. Do đó, Trung Quốc đang nhờ Nga hỗ trợ phát triển khả năng phòng thủ cho đội thủy thủ tàu ngầm, theo Nikkei Asian Review.
Trung Quốc hiện có khoảng 60 tàu ngầm, vượt xa con số 22 của Nhật. Tuy nhiên, Nhật được cho là đang dẫn đầu trong các hoạt động tàu ngầm.
Theo Nikkei Asian Review, bằng cách thông báo cho tàu ngầm diễn tập ở Biển Đông, Nhật gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: Tàu ngầm Trung Quốc sẽ không thể bình yên nếu cuộc xung đột bùng nổ trong những vùng biển tranh chấp. Ngoài ra, Tokyo dường như muốn chứng minh với Washington rằng Nhật có thể đóng một vai trò nhất định trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.