Nhật, Úc cam kết hợp tác với chính quyền Trump về an ninh khu vực

14/01/2017 18:00 GMT+7

Nhật và Úc sẽ tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh châu Á, bao gồm cả vấn đề Biển Đông và bán đảo Triều Tiên, đồng thời khẳng định Mỹ vẫn là nền tảng cho chiến lược hợp tác giữa hai nước.

Đó là thoả thuận mà hai nước đạt được sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 14.1 tại Sydney, Úc.
"Chúng tôi cùng khẳng định tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác song phương vững chắc và hợp tác với chính quyền của ông Trump", Thủ tướng Abe nói với các phóng viên sau cuộc gặp, theo Bloomberg. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tăng cường quan hệ quân sự và sẽ tổ chức thêm những cuộc tập trận chung.
Huffington Post Australia dẫn lời Thủ tướng Turnbull phát biểu: "Mối quan hệ giữa Úc và Nhật sẽ trở nên gần gũi, mạnh mẽ và mang tính xây dựng hơn bao giờ hết".
Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Úc kêu gọi tất cả các bên có liên quan kiềm chế và tránh những hành động làm leo thang căng thẳng, bao gồm cả việc quân sự hoá ở vùng biển này.
Thủ tướng Abe đến Úc trong hành trình công du 4 quốc gia nhằm củng cố và tăng cường quan hệ thương mại cũng như hợp tác an ninh với các nước đồng minh và đối tác.
Chuyến đi 6 ngày của ông Abe diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1 tới.
Bên cạnh vấn đề an ninh quân sự, ông Abe và ông Turnbull tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như tuyên bố tiếp tục ủng hộ TPP dù ông Trump đe doạ rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại này.
TPP đã được 12 nước ở châu Á - Thái Bình Dương ký kết và đang chờ quốc hội của các nước này phê chuẩn. Nhật là quốc gia đầu tiên đã phê chuẩn hiệp định. Thủ tướng Abe nhận định “TPP sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Mỹ”, nhưng Tokyo cam kết sẽ tiếp tục đi đầu trong việc thực thi TPP, theo The Australian.
Tuy nhiên TPP chỉ có thể có hiệu lực khi quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn, trong đó GDP của 6 nước này cộng lại phải chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước tham gia TPP. Điều này đồng nghĩa với việc phải có sự phê chuẩn của Mỹ và Nhật. Do đó, tương lai của hiệp định này hiện vẫn mờ mịt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.