Nhìn lại khủng hoảng tên lửa eo biển Đài Loan

18/12/2016 10:00 GMT+7

Bất đồng liên quan đến chính sách “một Trung Quốc” từng khiến căng thẳng leo thang tại khu vực eo biển Đài Loan giai đoạn 1995 - 1996.

Ngày 15.12, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” là điều kiện tiên quyết cho các nước khác phát triển quan hệ với Trung Quốc và không có quốc gia nào có thể ngoại lệ, theo Tân Hoa xã.
Phát biểu này được xem là phản ứng nhằm vào việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 2.12 điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và sau đó tỏ ý Mỹ không nhất thiết phải tôn trọng “một Trung Quốc”.
Chính sách “một Trung Quốc” được thống nhất trong cuộc gặp bán chính thức giữa đại diện Trung Quốc đại lục và Quốc dân đảng Đài Loan năm 1992. Kết quả cuộc gặp này thường được gọi là Đồng thuận 1992 và hai bên nhất trí rằng trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc, nhưng đó là CHND Trung Hoa hay Trung Hoa Dân Quốc thì mỗi bên giữ quyền diễn giải theo quan điểm riêng của mình.
Như vậy, các nước khác một khi đã thiết lập quan hệ chính thức với đại lục thì không thể làm tương tự với Đài Loan và ngược lại. Đến nay, đa số các quốc gia trên thế giới đều tuyên bố tôn trọng chính sách này và giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, đồng thời hợp tác không chính thức với Đài Loan.
Bản thân Mỹ năm 1972 cũng ra tuyên bố: “Mỹ xác nhận tất cả người Hoa ở bên này hay bên kia eo biển Đài Loan tuyên bố rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”. Chính phủ Mỹ không thách thức lập trường này”. Đến năm 1979, tổng thống Mỹ Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với “chính quyền Trung Hoa Dân Quốc” ở Đài Loan.
Kể từ đó, Trung Quốc xem việc tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” là một trong những nền tảng của quan hệ với Mỹ và luôn phản ứng mạnh đối với những động thái mà nước này xem là “ủng hộ Đài Loan độc lập”. Hồi thập niên 1990, căng thẳng từng leo thang đến mức tưởng chừng như đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào, xuất phát từ cáo buộc Mỹ vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.
Tên lửa gườm tàu sân bay
Tháng 6.1995, tổng thống Bill Clinton chấp thuận cấp thị thực cho lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy sang Mỹ dự một sự kiện do Đại học Cornell ở New York tổ chức. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một người đứng đầu chính quyền Đài Bắc kể từ năm 1979, theo báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP). Chưa hết, ông Lý là “cái gai” trong mắt đại lục khi luôn đẩy mạnh điều gọi là “độc lập và dân chủ cho Đài Loan”. Ngay lập tức, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ vi phạm chính sách “một Trung Quốc” và đe dọa trả đũa bằng các biện pháp như trừng phạt doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc hoặc hợp tác hạt nhân với Iran.
Trung Quốc thật sự “nổi trận lôi đình” khi trong diễn văn tại Đại học Cornell ngày 9.6.1995, ông Lý đưa ra những phát biểu bị cho là cổ súy cho Đài Loan độc lập, đặc biệt là câu: “Tôi biết rằng thế giới sẽ công nhận Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan là đối tác có năng lực và thân thiện vì tiến bộ”.
Một tháng sau, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu chiến dịch trả đũa, khởi đầu bằng đợt phóng tên lửa kéo dài 8 ngày với nhiều quả rơi xuống vùng biển cách đảo Bình Giai do Đài Loan kiểm soát chỉ khoảng 65 km và cách Đài Bắc chưa tới 160 km, theo SCMP. Sau đó, PLA tiếp tục phóng tên lửa lần thứ hai kết hợp với tập trận bắn đạn thật từ ngày 15 - 25.8 trước khi tiến hành diễn tập tấn công đổ bộ ở tỉnh Phúc Kiến, nằm đối diện với Đài Loan vào tháng 11. Trong suốt giai đoạn này, Tân Hoa xã và tờ Nhân Dân nhật báo liên tục chỉ trích ông Lý.
Tình hình căng đến mức vào tháng 12, tổng thống Clinton ra lệnh tung nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đi qua eo biển Đài Loan, còn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Independence trấn giữ khu vực phía đông đảo này. Đó là lần đầu tiên Mỹ cùng lúc triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới châu Á kể từ sau Chiến tranh Việt Nam, và cũng là lần phô diễn sức mạnh quân sự rầm rộ nhất của nước này trong khu vực trong vòng hơn 20 năm, theo SCMP.
Washington xem đây là lời cảnh báo rằng sẽ không dung thứ cho mọi hành động tấn công nhằm vào Đài Loan, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng đối phó mọi tình huống. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng vũ lực can thiệp vào nội bộ.
Kỳ bầu cử nóng bỏng
Đến đầu năm 1996, căng thẳng có vẻ hạ nhiệt và lực lượng Mỹ rời khỏi khu vực. Tuy nhiên, tình hình lại trở nên phức tạp khi Đài Loan chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 23.3.1996. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, vì là lần đầu tiên ghế lãnh đạo Đài Loan sẽ do cử tri trực tiếp quyết định thay vì chỉ do các nghị viên bỏ phiếu như trước đó.
Theo SCMP, đại lục phát tín hiệu cảnh báo nếu ông Lý Đăng Huy tiếp tục đắc cử thì “sẽ đồng nghĩa với chiến tranh”. Cách ngày bỏ phiếu khoảng 2 tuần, PLA ào ạt phóng tên lửa từ 8 - 15.3, trong đó có nhiều quả rơi xuống vùng biển cách 2 thành phố cảng Cơ Long và Cao Hùng chỉ từ 40 - 56 km. Trung Quốc cũng liên tục thông báo tập trận bắn đạn thật cũng như tập trận đổ bộ từ 12 - 20.3 và từ 18 - 25.3.
Chính quyền tổng thống Clinton lại phải cấp tốc điều hàng không mẫu hạm USS Independence tới vùng biển quốc tế gần Đài Loan, đồng thời gọi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đang tập trận ở vịnh Ba Tư trở lại khu vực.
CNN dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Warren Christopher đã chỉ trích các động thái của Trung Quốc là “đầy nguy hiểm” và “liều lĩnh”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Anthony Lake cảnh báo: “Nếu họ tấn công Đài Loan, sẽ có hậu quả nghiêm trọng”. Trong suốt thời gian này, tại Đài Loan rộ lên tin đồn đại lục sẽ tiến quân giành quyền kiểm soát một số đảo nhỏ và “chiến tranh sẽ nổ ra”. Vì thế, theo trang tin Ifeng, nhiều người Đài Loan hoảng loạn kéo nhau lên máy bay sang Mỹ và Canada.
Theo giới phân tích, các động thái của Trung Quốc đã không phát huy hiệu quả khi đa phần dư luận Đài Loan cho rằng mình “bị bắt nạt quá đáng”. Kết quả là lãnh đạo Lý Đăng Huy đắc cử thêm một nhiệm kỳ sau khi giành được 54% số phiếu. Sau cuộc bầu cử, các bên dần xuống thang và đến ngày 28.3.1996, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry tuyên bố cuộc khủng hoảng thật sự kết thúc.
Sự kiện này là một trong những chương đáng nhớ nhất trong quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc - Washington và có tác động chiến lược đến tận ngày nay. Sau cuộc khủng hoảng, chính giới Mỹ càng củng cố chính sách bán vũ khí cho Đài Loan và quan hệ an ninh giữa đảo này với Nhật Bản cũng được đẩy mạnh. Về phần mình, Trung Quốc nhận thức được nhu cầu phải nhanh chóng hiện đại hóa hải quân lẫn không quân.
Sóng gió mới ?
Lâu nay, đảng Dân tiến của đương kim lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn luôn phản đối “một Trung Quốc”, cho rằng đây là thỏa thuận riêng của Quốc dân đảng với đại lục, đồng thời đòi công nhận rằng hai bên bờ eo biển Đài Loan là “2 quốc gia độc lập tách bạch với nhau”.
Từ khi nhậm chức hồi tháng 5.2016 đến nay, bà Thái vẫn không đề cập việc thừa nhận “một Trung Quốc”. Hệ quả là vào tháng 6, Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ cơ chế tiếp xúc, liên lạc với Đài Bắc, theo Reuters. Hồi tuần trước, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ không cho phép bà Thái quá cảnh ở nước này trong chuyến thăm Guatemala vào tháng 1.2017.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó tuyên bố chuyện quá cảnh “phù hợp với bản chất quan hệ không chính thức giữa Washington và Đài Bắc”, theo Reuters. Những chuyến đi của các lãnh đạo Đài Loan, bao gồm cả người tiền nhiệm của bà Thái là ông Mã Anh Cửu, tới châu Mỹ Latin thường được kết hợp với quá cảnh ở Mỹ để gặp gỡ các quan chức thân Đài Bắc.
Theo giới quan sát, Trung Quốc lo ngại những động thái của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thể hiện ủng hộ bà Thái Anh Văn có thể khuyến khích Đài Loan tăng cường đòi độc lập hoặc đạt được sự công nhận lớn hơn trên thế giới.
“Nếu bà Thái Anh Văn tuyên bố độc lập và cả thế giới công nhận điều này, Trung Quốc sẽ có hành động quân sự. Tuy nhiên, tôi không tin đó là ý định của bà Thái”, Giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc ĐH Nhân Dân ở Bắc Kinh nhận định với tờ The New York Times. Hôm 13.12, Văn phòng lãnh đạo Đài Loan cũng nhấn mạnh chính sách xây dựng hợp tác tốt đẹp với cộng đồng quốc tế và duy trì ổn định quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.