Nỗi lo bệnh dịch sau thảm họa vỡ đập
01/08/2018 09:00 GMT+7
Chính phủ Lào đang dồn tổng lực khắc phục hậu quả vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy nhưng nguy cơ bệnh dịch đang chực chờ các trại tạm cư chật cứng người.
Tự động phát
Sau 10 ngày xảy ra thảm họa vỡ đập ở huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu), nhiều địa điểm vẫn còn ngập sâu cộng thêm bùn lầy đặc quánh, mảnh tôn, thủy tinh, cây gãy đổ ngổn ngang và nhà cửa bị san thành bình địa đang khiến hàng ngàn người chưa thể về bản. Việc sống chen chúc trong khu tạm cư lâu ngày khiến nhiều người lo lắng bùng phát dịch bệnh.
[VIDEO] Tan hoang sau trận "đại hồng thủy"
|
Tổng lực tìm kiếm thi thể, dọn dẹp làng bản
Đến ngày 31.7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Lào và một số nước khác có thể vào các bản làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất như bản May, Tha Hín, Kho kong… Ngoài việc tìm kiếm thi thể cũng như người mất tích, lực lượng hữu trách còn tích cực dọn dẹp chướng ngại vật chắn ngang, trôi nổi để đường vào bản được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do vẫn còn ngập và những cây lớn, bụi tre bị bật gốc nằm cản trở nên xe cứu hộ chưa thể tiếp cận một số địa bàn hẻo lánh.
Để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, chính phủ Lào đã tăng cường hàng trăm bộ đội tinh nhuệ vào hỗ trợ các đơn vị tìm kiếm và thu gom đồ đạc còn giá trị. Tại Kho kong lẫn bản May lực lượng cứu hộ phải đối diện lớp bùn đặc quánh dày hơn 2 m. Thậm chí có những nơi bùn đóng hơn 3 m khiến công tác cứu hộ cực kỳ khó khăn. Trong quá trình tìm kiếm, nhân viên cứu hộ và người dân phát hiện một số đồ dùng có giá trị và cả tượng Phật bằng vàng. Tất cả đều được trình báo và giao nộp chính quyền để có phương án tiếp nhận phù hợp.
Tại vùng thảm họa, hàng loạt ngôi nhà bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn trơ lại nền đất. Nhiều căn nhà bê tông kiên cố cũng đổ sụp. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất chính là môi trường ở đây bị ô nhiễm trầm trọng. Mùi thi thể, xác gia súc chết trương sình khiến đa số cho rằng những bản làng này rất khó để trở về như khi chưa bị lũ. Vì thế, điều cấp thiết hiện tại ngoài dọn dẹp hiện trường còn phải tính toán khắc phục phần nào hậu quả đối với môi trường.
|
Lo dịch bệnh bùng phát
Cũng trong những ngày này, hàng ngàn người bị nạn trong thảm họa vỡ đập đang chen chúc trong các trường mầm non, tiểu học, THCS - THPT thuộc huyện Sanamxay. Do chưa nhiều kinh nghiệm ứng phó với các trận đại hồng thủy tương tự nên công tác ổn định người dân đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Ngay cả số liệu thống kê về số người chết, mất tích cũng chưa được chính xác và thay đổi liên tục. Trong những ngày đầu, vì không đủ chỗ nên trụ sở huyện, nhà văn hóa cũng dành hết cho người dân gặp nạn. Đến nay đã có một vài thay đổi khi người dân được tập trung dồn về điểm chính là 3 ngôi trường của huyện. Một số phòng ốc được trưng dụng làm nơi chứa hàng cứu trợ, khám chữa bệnh…
Nhiều người vốn đã kiệt sức do chạy lũ lại phải sống trong môi trường ngột ngạt, chật chội và không bảo đảm vệ sinh nên sức khỏe càng suy yếu. “Số người bị sốt siêu vi, viêm phổi và bị bệnh đường ruột rất nhiều”, ông Nguyễn Văn Bùng (Tổ trưởng Tổ quân y thuộc Sư đoàn 15, Bộ Quốc phòng) đang là trưởng đoàn y tế VN tại Lào nói với Thanh Niên. Bên cạnh đó, hầu hết những người chạy lũ đều chịu nhiều vết thương do va đập và đặc biệt là tổn thương tinh thần nên sức đề kháng càng giảm mạnh. Theo ông Bùng, thời điểm này công tác phòng chống dịch càng phải được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Anh Đỗ Văn Dũng (làm nghề bán điện thoại tại Sanamxay) cũng cho hay: “Trước khi xảy ra thảm họa, nơi này đang rộ dịch sốt xuất huyết. Từ hôm nước rút, muỗi bắt đầu nhiều hơn. Không khí xung quanh cũng ô nhiễm hơn. Tôi rất lo dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm cho tất cả người dân ở đây”.
[VIDEO] Vỡ đập nước ở Lào: Xúc động giải cứu em bé khỏi cơn lũ
|
Bình luận (0)