Nước nhỏ hưởng lợi vắc xin Covid-19 nhờ Trung Quốc - Úc cạnh tranh

24/07/2021 21:00 GMT+7

Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 tại Papua New Guinea (PNG) đang trở thành cuộc chơi quyền lực chính trị giữa Trung Quốc và Úc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Úc tìm cách tranh giành ảnh hưởng tại nhóm đảo Thái Bình Dương, gồm 14 đảo quốc và vùng lãnh thổ với tổng số dân khoảng 10 triệu người. Và dịch Covid-19 tại PNG (quốc gia quần đảo đông dân nhất khu vực) trở thành tâm điểm trong cuộc chiến giữa hai nước.

Tranh cãi về vắc xin

Năm 2020, PNG với gần 9 triệu dân may mắn tránh được ảnh hưởng tồi tệ nhất của dịch Covid-19. Thế nhưng tình hình đã thay đổi trong năm 2021. Số ca Covid-19 tại nước này tăng vọt, với hơn 17.000 trường hợp mắc bệnh và 179 ca tử vong tính đến ngày 20.7, theo số liệu trên website của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Khi số ca dương tính bắt đầu tăng mạnh ở PNG vào tháng 2, Trung Quốc tuyên bố sẽ gửi vắc xin viện trợ cho đối tác ở Thái Bình Dương. Do Sinopharm, loại vắc xin Trung Quốc gửi đến, vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn vào thời điểm đó, chính quyền Bắc Kinh đồng ý gửi dữ liệu thử nghiệm lâm sàng để chứng tỏ hiệu quả của vắc xin, theo Hoàn Cầu thời báo.

Thủ tướng James Marape của PNG đang ký nhận lô vắc xin AstraZeneca từ Úc hồi tháng 3

AFP/Getty

Tuy nhiên, PNG vẫn chưa chấp nhận tiêm vắc xin Sinopharm mà phải đợi thông tin từ WHO. Hoàn Cầu thời báo một mực cho rằng sự trì hoãn này là do phía Úc âm thầm tác động đằng sau.
Đầu tháng 7, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận tố cáo Úc tìm cách gây ảnh hưởng khiến vắc xin Trung Quốc không đến được khu vực các đảo quốc Thái Bình Dương. Cùng thời điểm, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích Canberra “phá hoại sự hợp tác vắc xin” tại khu vực.

Chỉ là sự trùng hợp?

Trên thực tế, giới chức PNG cho hay muốn chờ WHO thông qua vắc xin Sinopharm trước khi triển khai tiêm ngừa cho người dân. Đến khi vắc xin Sinopharm được WHO phê chuẩn vào ngày 7.5, PNG đã có những sự lựa chọn khác.
Từ tháng 3, thời điểm PNG ghi nhận hàng trăm ca Covid-19 mới mỗi ngày, Úc viện trợ 8.000 liều vắc xin AstraZeneca cho PNG. Đến tháng 4, PNG tiếp nhận 132.000 liều AstraZeneca từ chương trình COVAX (cơ chế cho phép tiếp cận công bằng vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu). Úc tiếp tục gửi thêm 10.000 liều vắc xin vào tháng 5 và New Zealand viện trợ 146.000 liều trong tháng 6.
Không dừng lại ở đó, Úc cam kết sẽ viện trợ 15 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Timor-Leste và các đảo quốc Thái Bình Dương trong 12 tháng tới.

PNG tiếp nhận lô vắc xin Sinopharm của Trung Quốc vào tháng 6

Sứ quán Trung Quốc tại PNG

Về phần mình, Trung Quốc tặng 270.000 liều vắc xin cho Quần đảo Solomon, PNG và Vanuatu, theo số liệu của công ty Airfinity. Theo giới quan sát, Trung Quốc đến nay chưa cạnh tranh được “nước viện trợ vắc xin nhiều nhất cho nhóm đảo Thái Bình Dương” với Úc.
Trong thông báo gửi cho Đài CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng phía Úc “hãy suy ngẫm về lỗi lầm của chính mình, nghiêm túc thay đổi hành vi và hãy làm nhiều hơn nữa để bảo vệ sức khỏe của người dân nhóm đảo Thái Bình Dương và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nỗ lực chống dịch Covid-19”.

Dự báo buồn của WHO: 100.000 người sẽ chết vì Covid-19 trong thời gian diễn ra Olympic

Trước cáo buộc trên, Úc đã lên tiếng bác bỏ. “Chúng tôi ủng hộ PNG đưa ra các quyết định về chủ quyền”, Đài CNN dẫn lời ông Zed Seselja, bộ trưởng Úc về nhóm đảo Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tính đến ngày 4.7, PNG mới tiêm được khoảng 60.000 người, và 130.000 liều AstraZeneca được phân bổ theo chương trình COVAX chuẩn bị hết hạn trong tháng 7. Lý do là người dân nước này đang ngại tiêm vắc xin. Có vẻ như cần phải giải quyết được chướng ngại trong tâm lý người dân để có thể thực sự triển khai hiệu quả chương trình vắc xin ngừa Covid-19 ở PNG.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.