Ồn ào chuyện Nam Phi đề nghị cho phép 1 phụ nữ có nhiều chồng

29/06/2021 15:00 GMT+7

Nam Phi đã công nhận chế độ đa thê . Giờ đây, những người đấu tranh vì bình đẳng giới đang kêu gọi nước này hợp pháp hóa chế độ đa phu.

Đề xuất hợp pháp hóa chế độ đa phu - cho phép một phụ nữ có nhiều chồng cùng lúc - của chính phủ Nam Phi đã gây ra làn sóng phản đối từ những người có tư tưởng bảo thủ.

Điều này không khiến Giáo sư Collis Machoko, học giả nổi tiếng về lĩnh vực này, ngạc nhiên. Lý do những người phản đối đưa ra là "không thể kiểm soát được", ông Machoko nói với BBC. "Xã hội châu Phi chưa sẵn sàng cho sự bình đẳng thực sự. Chúng ta không biết phải làm gì với những người phụ nữ chúng ta không thể kiểm soát", ông nói thêm.

Nam Phi là một trong những nước có hiến pháp tự do nhất thế giới. Nước này chấp nhận hôn nhân đồng giới và chế độ đa thê.

Doanh nhân Musa Mseleku, có 4 vợ, là một trong số những người phản đối chế độ đa phu.

"Chế độ này sẽ phá hủy nền văn hóa châu Phi. Còn con cái của những người đó thì sao? Làm sao chúng biết được bố chúng là ai?", ông Mseleku, người tham gia một chương trình truyền hình thực tế của Nam Phi về gia đình đa thê của mình, đặt vấn đề.

"Phụ nữ bây giờ không thể đảm nhận vai trò của đàn ông. Tôi chưa từng nghe nói đến điều này. Liệu phụ nữ theo chế độ đa phu có mang sính lễ đến cho gia đình người đàn ông hay không. Những người đàn ông có phải lấy họ vợ hay không?", ông Mseleku nói thêm.

Các cuộc hôn nhân bí mật

Giáo sư Machoko nghiên cứu về chế độ đa phu ở nước láng giềng Zimbabwe, nơi ông sinh ra. Ông đã nói chuyện với 20 phụ nữ và 45 người chồng của họ theo chế độ này. Họ có cuộc hôn nhân bí mật vì chế độ đa phu là điều cấm kỵ về mặt xã hội và không được pháp luật công nhận.

"Người theo chế độ đa phu phải giữ bí mật vì đây là điều bị xã hội xa lánh. Khi gặp người lạ hoặc ai đó họ không tin tưởng, họ thậm chí phủ nhận sự tồn tại của cuộc hôn nhân của mình. Họ sợ bị xã hội trả thù và trừng phạt”, ông Machoko nói.

Những người tham gia nghiên cứu của ông Machoko không sống cùng nhau nhưng đều tham gia chế độ đa phu và rất cởi mở với nhau về điều đó.

"Một người phụ nữ tôi gặp nuôi dưỡng ý tưởng trở thành người có nhiều chồng từ năm 12 tuổi sau khi biết rằng ong chúa có nhiều ong đực xung quanh", ông Machoko cho biết.

Khi trưởng thành, cô ấy quan hệ tình dục với nhiều người. Những bạn tình của cô ấy đều biết về nhau. "Bốn trong số chín người chồng hiện tại của cô ấy nằm trong nhóm bạn trai đầu tiên đó", ông Machoko nói thêm.

Ông Musa Mseleku cùng 4 người vợ của mình

Chụp màn hình BBC

Trong chế độ đa phu, người phụ nữ thường chủ động bắt đầu mối quan hệ và mời những người chồng khác tham gia cuộc hôn nhân của mình. Một số người chồng mang sính lễ đến, một số người khác đơn giản là cùng tham gia cuộc hôn nhân. Người vợ sẽ có quyền loại một người chồng nếu cô cảm thấy người này đang khiến các mối quan hệ khác của cô mất ổn định.

Giáo sư Machoko cho biết tình yêu là lý do chính mà những chồng được ông phỏng vấn nói họ đồng ý có chung vợ. Họ không muốn mất vợ.

Một số người đàn ông cũng nói họ không làm vợ thỏa mãn về mặt tình dục. Vì vậy, họ đồng ý với việc vợ có thêm chồng để tránh ly hôn hoặc ngoại tình.

Một lý do khác những người đàn ông này đưa ra là họ bị vô sinh. Họ đồng ý cho vợ lấy chồng khác để cô ấy có thể sinh con. Có như vậy, họ mới không bị “mất mặt” ngoài xã hội.

Sự phản đối của các giáo sĩ

Giáo sư Machoko cho biết ông không nghe nói về những cuộc hôn nhân đa phu ở Nam Phi. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đã yêu cầu chính phủ hợp pháp hóa hôn nhân đa phu vì luật hiện tại cho phép một người đàn ông lấy nhiều vợ.

Đề xuất của họ được đưa vào một tài liệu được gọi là Báo cáo Xanh. Chính phủ đã công bố tài liệu này để lấy ý kiến công chúng khi bắt tay vào lần sửa đổi luật hôn nhân lớn nhất kể từ khi chế độ Apartheid chấm dứt vào năm 1994.

“Điều quan trọng cần nhớ là Báo cáo Xanh này đề cao quyền con người và chúng ta không thể bỏ qua điều đó”, Charlene May từ Trung tâm Pháp lý Phụ nữ, công ty luật đấu tranh cho quyền phụ nữ, cho biết. "Chúng ta không thể từ chối cải cách luật vì nó thách thức những quan điểm phụ quyền trong xã hội của chúng ta", bà nói thêm.

Báo cáo Xanh cũng đề xuất hợp pháp hóa các cuộc hôn nhân Hồi giáo, Hindu giáo, Do Thái giáo và đạo Rastafarian.

Điều này phần lớn được các cộng đồng liên quan hoan nghênh. Tuy nhiên, đề xuất hợp pháp hóa chế độ đa phu đã bị các giáo sĩ nắm giữ ghế trong quốc hội lên án.

Lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Cơ đốc giáo châu Phi (ACDP), mục sư Kenneth Meshoe, tuyên bố  đề xuất sẽ "hủy hoại xã hội". "Sẽ có lúc một trong hai người đàn ông nói ‘Cô dành phần lớn thời gian cho người đàn ông đó chứ không phải tôi'. Xung đột sẽ xảy ra giữa hai người đàn ông", ông Meshoe nói thêm.

Thủ lĩnh Ganief Hendricks của đảng Hồi giáo Al-Jamah cũng cho rằng khi một đứa trẻ trong gia đình đa phu được sinh ra, sẽ cần nhiều xét nghiệm ADN hơn để tìm ra người cha của đứa trẻ.

Người nhiều vợ nhất thế giới qua đời sau cuộc sống "may mắn có nhiều người để chăm sóc'"

Đứa con chung của gia đình

Ông Mseleku, người có 4 vợ, kêu gọi người dân Nam Phi không đưa nguyên tắc bình đẳng "đi quá xa". "Không phải điều gì đưa vào hiến pháp cũng sẽ tốt cho chúng ta", ông Mseleku nói thêm.

Khi được vì sao ông có 4 người vợ, nhưng phụ nữ lại không được có nhiều chồng, ông Mseleku đáp: “Tôi bị gọi là đạo đức giả vì cuộc hôn nhân của mình nhưng tôi thà lên tiếng còn hơn là im lặng”.

"Tôi chỉ có thể nói rằng chế độ đa phu không thuộc về văn hóa châu Phi. Chúng ta không thể thay đổi bản sắc của mình", ông Mseleku nói với BBC.

Các giáo sĩ cho rằng chế độ đa phu dẫn đến việc cần nhiều xét nghiệm ADN hơn để xác định cha đứa trẻ

Chụp màn hình BBC

Tuy nhiên, Giáo sư Machoko cho biết chế độ đa phu từng tồn tại ở Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria. Chế độ này vẫn đang được thực hiện và được luật pháp cho phép ở Gabon.

"Với sự xuất hiện của Cơ đốc giáo và chế độ thực dân, vai trò của người phụ nữ giảm dần. Không còn bình đẳng giới nữa. Hôn nhân trở thành một trong những công cụ để thiết lập thứ bậc", ông Machoko nói.

Giáo sư Machoko cũng cho biết những người theo chế độ phụ hệ mới lo ngại về những đứa trẻ sinh ra từ gia đình theo chế độ đa phu. "Câu hỏi về những đứa trẻ thì dễ thôi. Cho dù cha đứa bé là ai thì nó cũng là con của gia đình này", theo ông Machoko.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.