Ông Trump đem Đài Loan ra ‘mặc cả’, Trung Quốc sẽ phản đòn ra sao?

13/12/2016 19:13 GMT+7

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không hề giấu giếm ông muốn đem vấn đề Đài Loan ra mặc cả về chính sách “một Trung Quốc” của đất nước đông dân nhất hành tinh. Trung Quốc có những lựa chọn nào để “phản đòn”?

Đối với doanh nhân trở thành tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ đề lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung là thương mại. Đối với Trung Quốc, đó là Đài Loan. Thế là ông Trump kết luận: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại bị cột chặt vào chính sách "một Trung Quốc" trừ khi chúng ta thương lượng một thỏa thuận, trong đó Trung Quốc phải ràng buộc với một số thứ, bao gồm thương mại”.
ÔngTrump phát biểu điều này khi trả lời phỏng vấn Fox News ngày 11.12.
Ngay lập tức Hoàn Cầu thời báo - phụ bản của Nhân Dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc) - ngày 12.12 gọi ông Trump “giống như một đứa trẻ ngây ngô về chính sách đối ngoại”. Hoàn Cầu thời báo viết: “Chính sách một Trung Quốc là điều không thể đem ra mua bán. Dường như ông Trump chỉ hiểu biết mỗi chuyện kinh doanh và tưởng rằng mọi thứ đều gắn giá vào đó”.
Báo New York Times ngày 12.12 đã có bài phân tích về những “vũ khí” mà Trung Quốc đang nắm trong tay để có thể phản đòn, làm khó ông Trump nếu ông thực sự đụng đến vấn đề Đài Loan.
Thương mại và đầu tư
Trong năm 2016 này, dự kiến hãng máy bay Mỹ Boeing sẽ hoàn tất giao cho Trung Quốc một loạt sản phẩm, chủ yếu là máy bay 737 trong hợp đồng "khủng" có giá trị đến 11 tỉ USD. Hoàn Cầu thời báo đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển đơn đặt hàng qua Airbus, hãng sản xuất máy bay châu Âu đối thủ của Boeing.
Giới đầu tư Mỹ cũng lo lắng Trung Quốc sẽ vịn vào luật chống độc quyền của nước này mà tăng cường phân biệt đối xử với các công ty công nghệ Mỹ. Năm 2015, Trung Quốc đã phạt công ty sản xuất chip của Mỹ Qualcomm đến 975 triệu USD.
Cùng lúc, Trung Quốc có thể giảm giá thêm đồng nhân dân tệ của nước này để cạnh tranh xuất khẩu – điều đã sẵn là chủ đề chỉ trích của ông Trump. Nhưng viễn cảnh này cũng khiến Trung Quốc phải trả giá: nhiều người Trung Quốc sẽ chuyển tiền ra nước ngoài và lạm phát gia tăng.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể sẽ ra lệnh cho các công ty của nước này giảm đầu tư vào Mỹ trong bối cảnh đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc kể từ năm 2015 tới nay.
Con bài Triều Tiên
Điểm trung chuyển ở Đan Đông (thành phố Trung Quốc giáp Triều Tiên), nơi chuyên xử lý than đá nhập từ Triều Tiên Reuters
Mới hôm 11.12 vừa qua, ông Trump tuyên bố: “Nói trắng ra, họ (Trung Quốc) chẳng giúp chúng ta tí nào trong vấn đề Triều Tiên”. Nhưng rõ ràng Trung Quốc có đóng góp, dẫu không như Mỹ mong muốn. Hồi tháng 11.2016 vừa qua, Trung Quốc đã ủng hộ lệnh cấm vận kinh tế của Liên Hiệp Quốc áp lên Triều Tiên, hạn chế đáng kể lượng than đá xuất khẩu của Triều Tiên - mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước này. Ai cũng biết xưa nay Triều Tiên xuất than qua Trung Quốc.
Và ai cũng biết Trung Quốc xưa nay là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, chỉ đang tách xa bớt một cách lưỡng lự, không dứt khoát. Tức giận Mỹ, Trung Quốc có thể quay lại tăng cường trao đổi thương mại, viện trợ và đầu tư vào kinh tế Triều Tiên. Ông John Delury, một nhà phân tích người Mỹ tại Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc thậm chí có thể tập trận chung với Triều Tiên.
Thay đổi khí hậu
Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ, ông Barack Obama đã bị nhiều chỉ trích từ trong nước, cho rằng vì thỏa thuận giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính với Trung Quốc mà ông Obama phải “nín nhịn” quá nhiều, bao gồm cả trong vấn đề mở cửa thị trường Trung Quốc hay Biển Đông.
Quay lưng với các cam kết khí thải có thể là một món vũ khí khác mà Trung Quốc tung ra vào lúc này. Nhưng với ông Trump, dường như điều đó không quá quan trọng. Ông từng tuyên bố thay đổi khí hậu chỉ là trò lừa do Trung Quốc đặt ra để gây hại cho thương mại Mỹ. Ông Trump sau đó bảo rằng ông chỉ đùa!
Iran
Trung Quốc là một trong 5 nước đã tham gia thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran hồi năm 2015, gỡ bỏ cấm vận cho Iran để đổi lấy việc nước này ngưng các chương trình hạt nhân. Trung Quốc lập tức tham gia sâu rộng vào nền kinh tế Iran. Thông qua Iran, Trung Quốc muốn tìm cách gây ảnh hưởng ở Trung Đông, cùng lúc làm suy giảm vị thế của Mỹ.
Nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran bị hủy bỏ và thương lượng lại theo như lời ông Trump kêu gọi, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục giao thương với Iran, cùng lúc cô lập Mỹ. Được biết đến 1/3 xuất khẩu dầu mỏ của Iran vào Trung Quốc và Trung Quốc là địa chỉ hàng đầu để Iran nhập khẩu hàng hóa. Điều này sẽ không thay đổi dù ông Trump có hủy bỏ được thỏa thuận với Iran hay chính thức công nhận Đài Loan.
Đài Loan
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn AFP
Nếu ông Trump công nhận chủ quyền Đài Loan, phản ứng đầu tiên của Trung Quốc có lẽ là tìm cách trừng phạt Đài Loan nhằm làm giảm uy tín của Mỹ.
Báo New York Times cho rằng Trung Quốc có thể bắt đầu với hành động mạnh mẽ thúc đẩy các nước còn giữ quan hệ chính thức với Đài Loan hủy bỏ điều này. Rồi Trung Quốc sẽ tìm cách "đánh" vào kinh tế Đài Loan bằng cách giới hạn đầu tư từ Trung Quốc, cùng lúc hạn chế số lượng du khách Trung Quốc vào Đài Loan.
Dù trên thực tế Đài Loan vận hành độc lập nhưng Trung Quốc nhiều lần cảnh báo sẽ phát động chiến tranh để ngăn cản việc Đài Loan tuyên bố chính thức tách khỏi đại lục. New York Times cho rằng Trung Quốc lo ngại hành động của ông Trump (điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn) có thể thúc đẩy Đài Loan tuyên bố độc lập hoặc khiến các nước khác công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập.
Giáo sư Shi Yinhong của Đại học Renmin (Trung Quốc) cho rằng nếu bà Thái tuyên bố độc lập và cả thế giới công nhận điều đó, Trung Quốc sẽ dùng tới hành động quân sự. Nhưng ông nhận định sẽ không có chuyện đó xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.