Ông Trump phá lệ với Đài Loan

04/12/2016 10:20 GMT+7

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là đã phá vỡ nguyên tắc ngoại giao của Mỹ đối với Đài Loan qua cuộc điệm đàm với lãnh đạo Thái Anh Văn.

Cuộc điện đàm nói trên diễn ra vào khoảng 23 giờ ngày 2.12 (giờ Đài Loan, tức 10 giờ cùng ngày, giờ Mỹ) và kéo dài hơn 10 phút, theo CNA dẫn thông cáo từ Văn phòng lãnh đạo Đài Loan. Trong cuộc điện đàm, hai bên chia sẻ quan điểm về những vấn đề liên quan phát triển kinh tế, tăng cường an ninh cũng như tình hình ở châu Á.
Nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn còn bày tỏ mong muốn đẩy mạnh trao đổi, liên lạc song phương và thiết lập quan hệ hợp tác gần gũi với Mỹ.
Đến tối 2.12, ông Trump viết trên Twitter rằng bà Thái đã gọi điện cho ông để chúc mừng thắng cử. Trước làn sóng chỉ trích về hành động khinh suất, ông còn viết thêm rằng không có lý nào ông lại “không nhận cuộc gọi chúc mừng” khi mà Mỹ bán cho Đài Loan hàng tỉ USD khí tài quân sự. Cố vấn cấp cao của tổng thống đắc cử Mỹ là bà Kellyanne Conway cũng khẳng định với CNN rằng ông Trump “biết rõ chính sách của Mỹ” đối với Đài Loan.
Ông Trump chúc Philippines chống ma túy thành công
Đó là tuyên bố do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra sau khi ông gọi điện cho tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tối 2.12, theo tờ The Philippine Star. Ông Duterte gọi điện để chúc mừng ông Trump thắng cử và hai bên trao đổi gần 10 phút.
Theo Tổng thống Duterte, ông Trump nói rằng ông hiểu rõ chiến dịch chống ma túy của Philippines và nhấn mạnh đồng minh Đông Nam Á đang “làm đúng cách”. Tuyên bố này trái ngược với những chỉ trích trước đó mà ông Duterte nhận phải từ Tổng thống Barack Obama.
Theo phát ngôn viên Hoàng Trọng Ngạn của bà Thái, cuộc điện đàm đã được hai phía nhất trí trước khi tiến hành liên lạc. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa một tổng thống đắc cử hoặc đương nhiệm của Mỹ với lãnh đạo Đài Loan, kể từ khi tổng thống Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc vào năm 1979, thừa nhận Đài Loan thuộc “một Trung Quốc”, theo Reuters.
Dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Washington vẫn là đồng minh chính trị quan trọng nhất và là nhà cung cấp vũ khí duy nhất của Đài Loan. Tính đến nay, Mỹ đã bán 12 tỉ USD tiền vũ khí cho Đài Loan, theo Đài NBC News.
Trung Quốc tức giận
Vài giờ sau cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích động thái mới của Đài Loan là “hành động tầm thường” và “không thể thay đổi cấu trúc một Trung Quốc được tạo nên bởi cộng đồng quốc tế”, theo Reuters. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã gửi công hàm phản đối với “phía Mỹ liên quan”, kêu gọi xử lý thận trọng vấn đề Đài Loan để tránh rắc rối không cần thiết trong các mối quan hệ.
Hoàn Cầu thời báo cũng lập tức đăng bài xã luận cảnh báo nếu ông Trump thật sự lật ngược nguyên tắc “một Trung Quốc” khi nhậm chức (ngày 20.1.2017), điều đó sẽ gây ra cuộc khủng hoảng với Trung Quốc, khiến ông Trump không có thời gian làm chuyện khác. Tân Hoa xã đăng bài bình luận nhấn mạnh ông Trump cần biết rằng Bắc Kinh vẫn có thể là “đối tác hợp tác” miễn là Washington tôn trọng những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, trong đó có Đài Loan.
Đáp lại, Văn phòng phụ trách vấn đề đại lục của Đài Loan tuyên bố Trung Quốc cần nhìn nhận cuộc điện đàm “một cách bình tĩnh”, kêu gọi Bắc Kinh hợp tác để phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan. Còn Nhà Trắng phản ứng bằng cách nhấn mạnh: “Chúng tôi duy trì vững chắc chính sách “một Trung Quốc”. Lợi ích cơ bản của chúng tôi nằm trong quan hệ ổn định và hòa bình giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan”.
Trong khi đó, tờ Financial Times dẫn lời giới quan sát cho rằng ông Trump có nguy cơ châm ngòi cuộc tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc trước thời điểm nhậm chức. Cựu Giám đốc phụ trách châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Evan Medeiros nhận định Trung Quốc sẽ xem việc ông Trump nhận cuộc gọi của bà Thái là “hành động khiêu khích mức độ cao”. “Hành động này bảo đảm rằng quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Trump sẽ trải qua một khởi đầu rất gập ghềnh”, ông nói.
Cựu viên chức ngoại giao người Hà Lan Gerrit van der Wees thì nhận định với Reuters rằng cuộc điện đàm là chỉ dấu cho thấy ông Trump sẽ ít bị ràng buộc bởi các quy ước cũng như giới hạn trong chính sách ngoại giao, và “sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ về Đài Loan”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.