Trong một cuộc công kích hiếm thấy, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã buông lời chê trách trực tiếp tỉ phú Donald Trump, nói rằng chính khách được đảng Cộng hòa đề cử “không phù hợp” để trở thành nhà lãnh đạo tương lai của cường quốc số 1 thế giới. “Ông ta liên tục chứng minh điều đó”, theo AFP dẫn nhận xét của ông Obama trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Nhà Trắng.
Trước đây, tổng thống Mỹ bày tỏ sự ủng hộ hết mình với ứng viên đại diện Dân chủ là bà Hillary Clinton và thường xuyên chỉ trích ông Trump. Thế nhưng, lời công kích được buông ra trong một sự kiện đón tiếp quốc khách ở Vườn Hồng của Nhà Trắng đánh dấu sự bất mãn đặc biệt nghiêm trọng của cá nhân ông Obama với đại diện đảng Cộng hòa.
Hồi tuần trước, trong bài diễn văn trước Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tại TP.Philadelphia, đương kim tổng thống nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử lần này không phải là sự lựa chọn giữa một ứng viên Cộng hòa và Dân chủ, mà là giữa đại diện Dân chủ với “một kẻ mị dân” đe dọa sự tồn vong của nền dân chủ.
Tuy nhiên, đến ngày 2.8, ông Obama đã sử dụng những lời lẽ đặc biệt cứng rắn để phản đối tỉ phú Mỹ. Đề cập đến các đối thủ tranh cử vào năm 2008 và 2012, tổng thống Mỹ nói mặc dù ông có bất đồng về chính sách với các ông Mitt Romney và John McCain, nhưng “tôi chưa bao giờ nghĩ rằng họ không thể làm tổng thống”.
Không dừng lại ở đó, chủ nhân Nhà Trắng kêu gọi các lãnh đạo đảng Cộng hòa truất quyền ứng viên của ông Trump. Ông Trump lập tức đáp trả bằng cách mô tả hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama là một ví dụ của “sự lãnh đạo thất bại”.
Gây chiến trong nội bộ
Vài giờ sau phát biểu của ông Obama tại Nhà Trắng, ông Trump bất ngờ tạo thêm căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng hòa với việc từ chối ủng hộ hai ông Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện, và ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, trong cuộc chạy đua tái tranh cử nhiệm kỳ nghị sĩ của hai ông này.
Trả lời tờ The Washington Post, tỉ phú Mỹ cho hay chẳng thể nào tán thành ông Ryan lẫn ông McCain. Cả ông Ryan và ông McCain đều chỉ trích việc ông Trump “gây chiến” với gia đình của đại úy lục quân Humayun Khan, người đã hy sinh trên chiến trường Iraq vào năm 2004. Hai bên “kết thù” sau khi cha mẹ đại úy Khan (theo đạo Hồi) xuất hiện tại đại hội của Dân chủ hồi tuần trước để tuyên dương sự hy sinh của con mình và chỉ trích việc ông Trump không muốn cho người Hồi giáo nhập cư Mỹ. Việc ông Trump động chạm đến vấn đề được xem là “không thể đụng đến” đã đặt giới lãnh đạo Cộng hòa vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi nó có nguy cơ gây tổn hại đến các cuộc vận động tranh cử vào quốc hội của giới ứng viên nghị sĩ đảng này.
Trước mắt, hạ nghị sĩ Richard Hanna của bang New York đã trở thành chính khách Cộng hòa đầu tiên đang giữ ghế quốc hội lên tiếng ủng hộ ứng viên phe Dân chủ. Một tên tuổi khác của Cộng hòa là tỉ phú Meg Whitman, Tổng giám đốc Tập đoàn Hewlett-Packard, cũng tuyên bố sẽ ủng hộ bà Clinton vì “chán ghét ông Trump”. Không chỉ vậy, nhà gây quỹ lớn của đảng Cộng hòa từ trước đến nay này còn tuyên bố bà hiện có kế hoạch quyên góp tiền cho bà Clinton.
Chưa hết, ông Trump còn phải hứng chịu lời công kích hiếm hoi từ nguyên thủ một quốc gia đồng minh là Tổng thống Pháp Francois Hollande - người nhận xét rằng chiến thắng của ông Trump trên đường đua đến Nhà Trắng có thể kích thích phong trào cánh hữu lan rộng trên toàn thế giới. Sau khi tuyên bố tỉ phú Mỹ khiến mọi người “muốn nôn mửa” vì những lời phát biểu bỗ bã và không phù hợp, ông Hollande dự đoán kết quả bầu cử Mỹ có thể gây ảnh hưởng cho cuộc tổng tuyển cử tại Pháp vào tháng 4.2017. “Nếu người Mỹ chọn ông Trump, hậu quả là tất yếu vì cuộc bầu cử Mỹ như cuộc bầu cử của cả thế giới”, theo Reuters dẫn lời tổng thống Pháp ngày 2.8.
Bình luận (0)