Paris những ngày khói lửa

Lan Chi
Lan Chi
04/12/2018 07:57 GMT+7

Thay cho hình ảnh tươi vui của mùa lễ hội cuối năm, bạo lực nghiêm trọng khiến thủ đô nước Pháp ngổn ngang xác xe cháy và những cửa hàng tan hoang.

Mọi năm, từ khoảng 1 tháng trước Giáng sinh, các đại lộ Kléber, Haussmann, Foch, Rivoli hay quảng trường Opéra ở Paris được trang hoàng rực rỡ và nhộn nhịp người qua lại. Cũng những nơi ấy, sau đợt xuống đường rầm rộ thứ ba của phong trào Áo phản quang vàng (Gilets jaunes) hồi cuối tuần, đã “tả tơi” vì những vụ bạo động chưa từng thấy, theo Đài truyền hình France Télévisions.
[VIDEO] Xe cứu thương cũng biểu tình phản đối cải cách của Tổng thống Macron
“Phá hoại chuyên nghiệp”
Hơn 20 năm trong ngành, chưa bao giờ tôi chứng kiến điều tương tự. Nhiều người trong đám đông hôm ấy rõ ràng chỉ muốn đập phá và tấn công cảnh sát
Đội trưởng đội 44 của CRS Jessy Castane
Những kẻ quá khích đã đập phá, phóng hỏa nhiều cửa hàng, xe cộ, đồng thời tấn công cảnh sát chống bạo động (CRS) bằng gạch đá. Hai trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất Paris là Galeries Lafayette và Printemps trên đại lộ Haussmann phải đóng cửa và cho sơ tán khách vì bên ngoài khói lửa mịt mù xen lẫn hơi cay của lực lượng an ninh. Đội cứu hỏa thì bị cản trở, không cho đến dập lửa. Các cửa hàng, quán ăn tại các điểm nóng hứng hàng loạt trận “mưa” gạch đá, thậm chí còn bị hôi của. Đỉnh điểm bạo động là người biểu tình dùng sơn viết vẽ lên bờ tường Khải hoàn môn, biểu tượng đầy tự hào của nước Pháp và đập phá nhiều tranh tượng trưng bày ở tầng hầm của công trình.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner, các vụ bạo động đã được lên kế hoạch và gây ra bởi “những kẻ phá hoại chuyên nghiệp” trà trộn vào cuộc biểu tình. “Hơn 20 năm trong ngành, chưa bao giờ tôi chứng kiến điều tương tự. Nhiều người trong đám đông hôm ấy rõ ràng chỉ muốn đập phá và tấn công cảnh sát. Họ ném vào chúng tôi gạch đá, chai lọ, tạt nước sơn, thậm chí cả a xít”, France Télévisions dẫn lời Đội trưởng đội 44 của CRS Jessy Castane cho biết.
[VIDEO] Bạo động, biểu tình khắp nơi ở Pháp
Khoảng 5.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động nhưng chủ yếu tập trung “khóa chặt” đại lộ Champs Élysées cũng như các tòa nhà chính phủ, quốc hội. Trong khi đó, bạo lực bùng phát ở phía Khải hoàn môn và những đại lộ khác khiến lực lượng an ninh trở nên bị động. Nghiệp đoàn cảnh sát đã kêu gọi chính phủ điều quân đội hỗ trợ bảo vệ các địa điểm trọng yếu, ban bố tình trạng khẩn cấp và cấm cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào ngày 8.12.
Ngoài Paris, nhiều thành phố khác của Pháp cũng xảy ra bạo động nghiêm trọng. Tính đến ngày 3.12, đã có ít nhất 263 người bị thương, bao gồm nhiều cảnh sát và 630 người bị bắt. Hiện chưa có thống kê chính thức về thiệt hại nhưng chỉ riêng việc phải đóng cửa vào dịp cuối tuần khiến các cửa hàng thiệt hại từ 3 - 5 triệu euro. Đáng chú ý là số người tham gia xuống đường có chiều hướng giảm, từ 282.000 người ngày 17.11 xuống 166.000 người vào ngày 24.11 và còn 136.000 người ở đợt mới nhất nhưng bạo động lại tăng rất nhanh.
Paris những ngày khói lửa
Đụng độ ác liệt trước Khải hoàn môn

Hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đi thị sát các điểm thiệt hại ở Paris và chủ trì cuộc họp nội các khẩn cấp. Tờ Le Monde dẫn lời nhà lãnh đạo khẳng định: “Pháp luật sẽ không bỏ qua bất kỳ hành động sai phạm nào”. Chính phủ cũng kêu gọi những người phản đối chấp nhận đối thoại và ông Macron yêu cầu Thủ tướng Edouard Philippe sớm gặp gỡ các đại diện của Áo phản quang vàng.
Phong trào tự phát
Quá trình đàm phán sắp tới sẽ rất phức tạp vì Áo phản quang vàng là một phong trào tự phát, không có lãnh đạo và ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu. Những ý kiến bất bình bắt đầu nảy sinh sau khi chính phủ Pháp công bố kế hoạch từ tháng 1.2019 sẽ tăng thuế môi trường trong nhiên liệu, làm giá dầu diesel tăng 6,5 cent/lít và giá xăng tăng 2,9 cent/lít. Trong khi đó, giá xăng ở Pháp đã bị xem là thuộc loại khá cao so với nhiều nước châu Âu, với xăng SP95 là 1,534 euro (hơn 40.500 đồng)/lít. Đến tháng 5, bà Priscillia Ludosky, một nhân viên bán mỹ phẩm 32 tuổi ở Seine-et-Marne (ngoại ô Paris) kêu gọi ký tên yêu cầu giảm giá xăng dầu. Ngày càng có nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi này và đến giữa tháng 10, họ bắt đầu xuống đường với đồng phục là áo phản quang vàng, vật dụng mà người lái xe tại Pháp bắt buộc phải trang bị để mặc trong trường hợp dừng xe khẩn cấp.
Phong trào không ngừng lan rộng và đi kèm với ngày càng nhiều yêu sách khác như ngừng xây dựng các khu phức hợp thương mại, tăng lương tối thiểu, giải quyết tình trạng vô gia cư, tăng thuế với các tập đoàn lớn... Có thể thấy, hiện Áo phản quang vàng đã trở thành phương tiện để người Pháp thể hiện sự bất bình về nhiều vấn đề trong xã hội mà trọng tâm vẫn là chênh lệch giàu nghèo, thất nghiệp, đời sống bấp bênh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.