Xác nhận hành tinh với cái đuôi khổng lồ gần trái đất

15/12/2024 12:29 GMT+7

Các nhà thiên văn học phát hiện hành tinh WASP-69 b sở hữu cái đuôi dài như sao chổi, với chiều dài vượt 563.000 km, tức gấp 44 lần bề ngang của trái đất.

Xác nhận hành tinh với cái đuôi khổng lồ gần trái đất- Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng hành tinh WASP-69 b với 'cái đuôi'

ảnh: NASA/JPL-Caltech

Đội ngũ chuyên gia của Đại học California ở Los Angeles (Mỹ) cho biết hành tinh WASP-69 b thuộc loại khổng lồ khí với kích thước tương tự sao Mộc.

Hành tinh đang xoay quanh một ngôi sao cách trái đất khoảng 160 năm ánh sáng. Khoảng cách giữa WASP-69 và sao trung tâm rất gần, chỉ mất 3,9 ngày để hành tinh hoàn toàn chu kỳ xoay quanh ngôi sao này.

Kể từ khi tìm được WASP-69 vào năm 2014, các nhà khoa học phát hiện đối tượng mà họ nghiên cứu đang thất thoát khí quyển với tốc độ đáng nể. Mỗi giây trôi qua, hành tinh mất đến 200.000 tấn khí, chủ yếu là helium và một phần hydrogen.

Với đà này, WASP-69 nhiều khả năng tổn thất gấp 7 lần khối lượng trái đất trong thời gian tồn tại của nó, ước tính khoảng 7 tỉ năm.

Tình trạng thất thoát khí quyển cùng với ảnh hưởng từ sao trung tâm đã tạo điều kiện để WASP-69 "mọc đuôi" khi di chuyển trong không gian.

Trước đó, các nhà khoa học nghi ngờ WASP-69 b có lẽ sở hữu đuôi như sao chổi, nhưng điều này chưa từng được chứng minh cho đến mới đây.

Báo cáo đăng trên chuyên san Astronomy and Astrophysics trình bày phân tích của các nhà nghiên cứu Mỹ dựa trên dữ liệu thu thập được từ Đài Thiên văn W. M. Keck trên núi lửa Maunakea (bang Hawaii).

Kết quả cho thấy hành tinh thực sự có đuôi, với chiều dài hơn 563.000 km, tức gấp 44 lần bề ngang trái đất.

Đuôi của WASP-69 b hình thành khi hiện tượng "gió sao" thổi bay khí quyển bốc hơi từ hành tinh, tạo nên cái đuôi dài trên hành trình của nó.

Gió sao, tương tự như gió mặt trời, là luồng các hạt điện tích xuất phát từ một ngôi sao. Nếu gió sao biến mất, chiếc đuôi của hành tinh cũng không tồn tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.