Phản đối than đá và năng lượng 'bẩn' tại hội nghị biến đổi khí hậu

17/11/2017 15:32 GMT+7

Những cuộc biểu tình phản đối sử dụng than đá và năng lượng 'bẩn' diễn ra bên ngoài trung tâm hội nghị ở Bonn, Đức, nơi tổ chức Hội nghị cấp cao Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP23).

Cuộc xuống đường do hàng trăm nhà hoạt động vì môi trường, các tổ chức xã hội trên thế giới phát động ngay tại con đường chính dẫn vào tòa nhà Trung tâm hội nghị của Liên Hiệp Quốc, nơi đại diện gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đàm phán.
Hôm qua, 16.11, khoảng 20 nước, trong đó có Anh, Canada, Mexico Angola, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha,... đã ra tuyên bố thành lập “Liên minh chống sử dụng than đá”. Đặc biệt trong số các thành viên tham gia liên minh này còn có nhiều bang của Mỹ, dù cho trước đó Washington đã tuyên bố ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris, thỏa thuận đặt kỳ vọng cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2) để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Băng rôn, khẩu hiệu được giăng bên đường chính dẫn vào Trung tâm hội nghị Đình Tuyển
Bên ngoài hội nghị, những băng rôn, khẩu hiệu in các thông điệp: “Dừng sử dụng than đá và tất cả năng lượng bẩn”; “Cam kết sử dụng 100% năng lượng tái chế”; “Than sạch là dối trá”; “Khôi phục năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng cho người và cộng đồng” … được giăng đầy cùng những lời hô vang “Reclaim Power!” (tạm dịch: khôi phục năng lượng sạch).
Hình nộm của than đá, ô nhiễm được những người biểu tình đóng giả Đình Tuyển
Những người tham gia biểu tình còn đưa ra bản yêu sách 8 điểm đề nghị các nước phải thực hiện từ nay đến hết năm 2018 để hướng đến thay đổi hệ thống năng lượng sạch và giới hạn nhiệt độ toàn cầu.
Thông điệp: Than sạch là dối trá Đình Tuyển
Những người biểu tình tham gia hô vang từng khẩu hiệu Đình Tuyển
Cuộc xuống đường diễn ra ôn hoà và được đánh giá là có kết quả tích cực Đình Tuyển
Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, các hoạt động của các nhóm vì môi trường và đặ biệt là sự ra đời của “Liên minh chống sử dụng than đá” là một tín hiệu tích cực trong việc tạo đà cho những nỗ lực toàn cầu tiếp theo chống lại việc sử dụng than đá. Bên cạnh đó, nó cũng khiến các chính phủ ủng hộ việc sử dụng năng lượng hóa thạch phải cân nhắc lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.