NASA vừa công bố phát hiện chấn động: có đến 7 hành tinh với kích thước ngang ngửa trái đất, quay quanh một ngôi sao. Nước có thể tồn tại ở đây, trong đó 3 hành tinh nằm trong vùng có thể sống được.
Bảy hành tinh vừa “bị lộ” quay quanh ngôi sao lùn mang tên Trappist-1, trong chòm sao Aquarius thuộc dải ngân hà, cách trái đất của chúng ta chừng 39 năm ánh sáng (khoảng 378 ngàn tỉ km). Dù cả 7 hành tinh đều có thể tồn tại nước, các nhà khoa học cho biết 3 trong số này nằm trong vùng có thể sống được, nơi nước có thể chảy trên bề mặt dưới dạng lỏng, nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh.
Do ngôi sao lùn Trappist này (to cỡ sao Mộc) đang mờ dần, ánh sáng yếu hơn của mặt trời 2.000 lần nên ánh sáng trên 7 hành tinh được cho là thiên về màu đỏ, tức tựa ráng vàng trên trái đất.
Đây là công trình phối hợp giữa Cơ quan hàng không và không gian Mỹ (NASA) và châu Âu.
Công ty Nga KosmoKurs đã công bố bán vé du lịch không gian với giá từ 200.000 - 250.000 USD. Nhưng đừng tưởng chỉ cần bao nhiêu đó tiền, bạn có thể mơ bay bổng thật xa.
Fox News dẫn lời ông Thomas Zurbuchen, một nhà khoa học tại NASA phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22.2: “Phát hiện này cho chúng ta thấy việc tìm được một trái đất thứ hai không phải là vấn đề có thể hay không, mà là vấn đề vào thời điểm nào”. Ông cũng gọi thành quả kể trên là một bước tiến rất lớn để trả lời cho câu hỏi quan trọng: có sự sống trên hành tinh khác hay không?
Nhà thiên văn học Michael Gillon tại Đại học Liege (Bỉ) cũng gọi phát hiện “là một hứa hẹn tốt đẹp cho việc tìm kiếm sự sống ngoài hệ mặt trời của chúng ta”.
Nếu lên được một trong số 7 hành tinh vừa phát hiện, chúng ta tha hồ "nhìn qua nhà hàng xóm" NASA
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện được nhiều hành tinh có kích thước tương đương trái đất quay quanh một ngôi sao đến thế. Chúng là những “hàng xóm” rất gần nhau nên đứng từ “nhà” này có thể thấy được “nhà” kia một cách rõ ràng hơn nhiều so với cách chúng ta đứng từ trái đất nhìn thấy những chấm nhỏ trên bầu trời.
Ba hành tinh trong vùng có thể sống được quan tâm đặc biệt, chúng được đặt tên là Trappist-1e, Trappist-1f và Trappist-1g, trong đó hành tinh cuối cùng là có kích thước tương đồng trái đất nhất.
Bảy thiên thể giống trái đất xoay quanh ngôi sao lùn Trappist-1
Được biết các nhà khoa học đã phát hiện hàng ngàn hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời, nhưng chỉ có một số lượng rất nhỏ đáp ứng tiêu chí kích thước giống trái đất và có thể sống được.
Dải ngân hà bao la thật ra là một nơi rất chật chội. Theo tính toán của các nhà khoa học, có thể 300 tỉ ngôi sao đang chen chúc trong đó. Nhưng mãi đến thời điểm cách đây 20 năm, người ta chỉ biết đến một ngôi sao duy nhất có hành tinh quay quanh. Những năm sau đó là giai đoạn bùng nổ các phát hiện mới về dải ngân hà, với tầm 4.700 hành tinh hoặc thực thể nghi là hành tinh. Rồi các nhà thiên văn học đi đến kết luận mỗi ngôi sao trong dải ngân hà đều là có ít nhất một thế giới riêng của nó.
Nhưng báo Time đưa tin giữa dải ngân hà chật chội đó, tìm được một hành tinh giống trái đất không phải dễ. Để thỏa mãn điều kiện giống trái đất, hành tinh đó phải nhỏ thôi, có bề mặt nhiều đá, quay quanh một ngôi sao ở khoảng cách không quá gần, cũng không quá xa để nước dạng lỏng có thể tồn tại. Vì thế phát hiện vừa được công bố thực sự là sự kiện chấn động: một ngôi sao khá gần trái đất (theo cách tính của... dải ngân hà, cách tới 39 năm nếu “đi” với tốc độ của ánh sáng) quy tụ đến 7 hành tinh giống trái đất quanh nó. Nếu muốn đi tìm sự sống ngoài trái đất, có lẽ không nơi đâu thuận lợi bằng chỗ này, chí ít là theo kiến thức khoa học cập nhật đến ngày 22.2.
Bình luận (0)