Lời hứa suông?
Mối quan hệ Philippines - Trung Quốc trở nên tốt đẹp hơn kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức hồi giữa năm 2016. Tuy nhiên, gần 4 năm kể từ khi Trung Quốc cam kết đầu tư 24 tỉ USD (khoảng 556.440 tỉ đồng) vào Philippines, đa số dự án cơ sở hạ tầng lớn đều không hoàn tất, bị hoãn hoặc hủy, bao gồm dự án đường sắt ở đảo Mindanao, quê nhà của ông Duterte, theo tờ Inquirer.
Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc tăng cường hành động quân sự hóa và cưỡng ép phi pháp ở Biển Đông, bao gồm quanh bãi cạn Scarborough. Những động thái này vấp phải sự phản đối gay gắt từ Manila lẫn cộng đồng quốc tế.
Đến nay, phần lớn những khoản đầu tư của Trung Quốc vào Philippines chỉ tập trung vào các sòng bạc trực tuyến mờ ám, bên cạnh đó là những dự án có giá trị nhỏ và mang tính biểu tượng như tài trợ xây dựng cầu qua sông Pasig, tất cả đều do doanh nghiệp cùng người Trung Quốc chi phối. Hai dự án lớn do Trung Quốc dẫn đầu, bao gồm dự án mạng internet băng thông rộng quốc gia NBN-ZTE và dự án đường sắt Northrail, bị đình trệ vì bê bối tham nhũng và bất thường trong đấu thầu.
|
“Chiến lược cải bắp về kinh tế”
Sau những vụ bê bối liên quan nhà đầu tư Trung Quốc, các quan chức chính phủ Philippines bao gồm Bộ trưởng Tài chính Sonny Dominguez ra sức tăng cường biện pháp quản lý, bao gồm siết chặt quy định về đấu thầu và ưu tiên dự án hợp tác với quốc gia khác, nhằm ngăn chặn sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Dù vậy, trong bối cảnh Philippines đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19 gây ra, Tổng thống Duterte vẫn phải tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng, theo tờ Asia Times.
Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III thuộc Tổ chức Asia Pacific Pathways to Progress Foundation (Philippines) cho biết: “Đa số dự án hạ tầng tại những địa điểm nhạy cảm đều vấp phải sự phản đối từ quân đội và mối hoài nghi từ phía người dân, chẳng hạn như việc Trung Quốc đề nghị đầu tư vào dự án xây nhà máy đóng tàu, phát triển các đảo ở vịnh Subic chiến lược và đảo Fuga”.
Theo ông Pitlo, hiện có một dự án gây lo ngại nhất đã được thông qua là sân bay quốc tế Sangley Point (SPIA) nằm sát căn cứ hải quân và không quân ở tỉnh Cavite, gần vùng thủ đô Manila. Hôm 7.9, Phó đô đốc hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo kịch liệt phản đối việc chính quyền tỉnh Cavite muốn lực lượng hải quân rời khỏi căn cứ chiến lược này để nhà thầu Trung Quốc kết hợp với công ty Philippines thực hiện dự án SPIA trị giá 500 tỉ peso (khoảng 10,2 tỉ USD), theo Inquirer.
|
Xu hướng này từng được ghi nhận với sòng bạc do Trung Quốc đầu tư ở thủ đô Manila, trong đó có một số địa điểm nằm gần cơ sở cảnh sát và quân sự.
Trong những tuần gần đây, các quan chức cùng giới nghị sĩ Philippines lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa an ninh quốc gia từ một số dự án lớn có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc. Chẳng hạn, các nghị sĩ Philippines hồi đầu tháng 9 tiếp tục cảnh báo nguy cơ Trung Quốc lợi dụng dự án lắp đặt thiết bị viễn thông, bao gồm tháp viễn thông, trong các doanh trại quân đội để do thám Philippines và đồng minh Mỹ, theo Reuters.
Lời cảnh báo được đưa ra khi chính phủ Philippines bật đèn xanh cho một liên doanh giữa Tập đoàn viễn thông nhà nước Trung Quốc và công ty Philippines thực hiện dự án này sau hơn 1 năm trì hoãn vì mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Bình luận (0)