Phương Tây - Trung Quốc gia tăng đối đầu

Bảo Vinh
Bảo Vinh
30/03/2021 08:00 GMT+7

Căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại khi một bên được cho là đang lôi kéo thêm đồng minh, trong khi bên kia sẵn sàng áp dụng các biện pháp phi chính thống để đáp trả.

Phương Tây tập hợp đồng minh

Các đòn cấm vận ăn miếng trả miếng giữa phương Tây và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc phỏng vấn với CNN mới đây nói rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều mặt nhưng những mặt mang tính đối đầu ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, ông Blinken nhấn mạnh điều quan trọng là tiếp tục hợp tác cùng các đồng minh để giải quyết những thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Trước đó, Mỹ cùng Anh, Canada và EU lần lượt cấm vận các quan chức Trung Quốc với cáo buộc về nhân quyền tại Tân Cương, khiến Trung Quốc tung đòn đáp trả. Nhật Bản đang chịu áp lực phải đứng cùng phương Tây để trừng phạt Trung Quốc khi Thủ tướng Yoshihide Suga dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 4 và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh vào tháng 6. “Nhật Bản là nước G7 duy nhất chưa tham gia cấm vận. Thật xấu hổ cho Nhật Bản khi bị coi là vờ như không biết chuyện gì đang xảy ra”, hạ nghị sĩ đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản Gen Nakatani nói với Bloomberg.

Hàn Quốc trong thế khó khi Mỹ tập trung gây áp lực Trung Quốc

Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản bị kẹt trong thế khó xử khi có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc nhưng lại là đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ. Phía Trung Quốc gần đây tuyên bố việc công kích Bắc Kinh không phải là lợi ích của Tokyo.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Khu tự trị Tân Cương, ông Từ Quý Tường ngày 29.3 bác bỏ cáo buộc của Mỹ về “tội ác diệt chủng” và vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Mạng truyền hình CGTN dẫn lời ông Từ chỉ trích phương Tây can thiệp chính trị và tìm cách gây bất ổn Trung Quốc bằng lệnh cấm vận.

Doanh nghiệp bị tẩy chay

Căng thẳng chính trị cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp phương Tây tại Trung Quốc chịu thiệt hại. Hàng loạt thương hiệu thời trang lớn đang hứng chịu làn sóng tẩy chay của Trung Quốc.
Theo CNN, sự việc bùng phát khi cộng đồng mạng Trung Quốc khơi lại thông báo từ năm ngoái của H&M rằng hãng này lo ngại sâu sắc trước các báo cáo về lao động cưỡng ép tại Tân Cương và nói sẽ ngừng mua bông vải từ vùng này.

Bắc Kinh cảnh báo: "H&M có kiếm được tiền từ thị trường Trung Quốc nữa không?"

Hàng loạt ngôi sao giải trí của Trung Quốc tuần qua tuyên bố ngừng hợp tác với các hãng thời trang phương Tây và lên tiếng ủng hộ bông vải sản xuất từ Tân Cương.
Quan chức Từ Quý Tường cho rằng các công ty không nên chính trị hóa hành vi kinh tế, đồng thời nhận định rằng “H&M sẽ không thể kiếm tiền từ thị trường Trung Quốc nữa”.
Mặt khác, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm qua cho biết đang đàm phán với Trung Quốc để cho phép Cao ủy phụ trách nhân quyền Michelle Bachelet đến Tân Cương để xác minh cáo buộc mà không bị giới hạn. Tuy nhiên, các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về mức độ tiếp cận thông tin của sứ mệnh này.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định Bắc Kinh hoan nghênh bà Bachelet đến Tân Cương để thúc đẩy hợp tác, chứ không phải để tiến hành cuộc điều tra hành vi tội lỗi.
Mỹ lo Trung Quốc “phiêu lưu” hơn về Đài Loan
Tờ Financial Times dẫn lời quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden ngày càng lo ngại khả năng Trung Quốc sẵn sàng thử thách những giới hạn trong vấn đề Đài Loan, trong đó có khả năng thống nhất, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm đến nhiệm kỳ thứ 3.
Quan chức này cho hay chính quyền Tổng thống Biden lo ngại Chủ tịch Tập xem tiến bộ về vấn đề Đài Loan là điều quan trọng cho di sản và tính chính danh của mình nên sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro. Mặc dù Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự quanh Đài Loan gần đây nhưng một quan chức cấp cao của Đài Loan nói rằng không có dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra.
Cũng trong hôm qua, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thông báo chưa sẵn sàng dỡ bỏ các thuế suất nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, theo tờ The Wall Street Journal. Bà Tai thừa nhận các thuế suất gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp Mỹ nhưng đó cũng là công cụ để khắc phục tình trạng thương mại bất cân bằng giữa Mỹ với Trung Quốc. Đồng thời, vị quan chức khẳng định việc giữ nguyên các thuế suất sẽ có lợi cho việc đàm phán và cho rằng nếu muốn dỡ bỏ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các thành phần tham gia nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.