Ngày 13.1, Quốc hội Mỹ lại trở nên nóng và gay cấn vì ông Trump. Bên trong phòng họp của Hạ viện, các nghị sĩ tranh luận căng thẳng. Bên ngoài, lực lượng an ninh đặc biệt là vệ binh quốc gia với đầy đủ vũ khí sẵn sàng ứng phó mọi tình huống để không xảy ra một vụ bạo loạn thứ hai.
Ngày 6.1, Điện Capitol - biểu tượng quyền lực của nền dân chủ Mỹ - trở nên loạn chưa từng có, đến nỗi những chính trị gia kì cựu nhất của nước Mỹ đều xem đó là ngày đen tối. Những người ủng hộ ông Trump xông vào bên trong tòa nhà quốc hội, gây náo loạn, phá hoại, thậm chí ngang nhiên ngồi vào chỗ của Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Máu đã đổ, 5 người đã chết, hàng chục người bị bắt, hàng loạt quan chức cấp cao chính phủ từ chức sau sự kiện chấn động ngày 6.1.
Nếu ngày đếm phiếu đại cử tri và chứng nhận người đắc cử tổng thống hôm đó diễn ra êm ả thì nước Mỹ sẽ chỉ còn chờ tới ngày 20.1 để ông Joe Biden nhậm chức. Nhưng không, ngày 6.1 đã kéo theo một cục diện không ngờ tới: Tổng thống Trump có thể bị luận tội, thậm chí phế truất dù chỉ còn ít ngày nữa hết nhiệm kỳ.
Đảng Dân chủ đã nhanh chóng xúc tiến quá trình nhằm luận tội ông Trump. Sáng 13.1 (giờ Việt Nam), Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Phó tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Donald Trump. Dù nghị quyết được thông qua nhưng khó có khả năng việc phế truất được ông Pence thực hiện vì trước đó chính phó tổng thống đã phản đối đề xuất này.
Nhưng không dừng lại ở đó, tối 13.1 (giờ Mỹ), Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát lại tiếp tục họp để bỏ phiếu về luận tội ông Trump với cáo buộc nhà lãnh đạo “xúi giục nổi dậy”, khi kêu gọi người biểu tình tập trung tại Washington, dẫn đến việc nhiều người xông vào tòa nhà Quốc hội hôm 6.1.
Một khi được thông qua tại Hạ viện, nghị quyết về luận tội Tổng thống Trump sẽ được chuyển đến Thượng viện. Tại đây, ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên bị luận tội tới 2 lần trong lịch sử Mỹ.
Hồi năm 2019, ông Trump cũng bị luận tội nhưng khi lên tới Thượng viện thì nỗ lực phế truất ông thất bại. Khi đó, đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện và ông Trump trắng án.
Trong lần này, tình thế có hơi khác về thế đa số tại Thượng viện và trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng đang có sự chia rẽ. Sau sự kiện 6.1, một số nghị sĩ Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích ông Trump và không loại trừ khả năng có các nghị sĩ Cộng hòa tham gia nỗ lực luận tội ông Trump. Theo một số nguồn tin, lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ luận tội ông Trump.
Dù vậy, theo quy định, phải có 2/3 nghị sĩ tại Thượng viện bỏ phiếu đồng ý thì ông Trump mới bị tuyên có tội và bị phế truất. Cũng cần lưu ý rằng việc luận tội ông Trump nhiều khả năng diễn ra sau ngày 20.1, tức ông đã là cựu tổng thống.
Bình luận (0)