Mọi nỗ lực "lật kèo" kết quả bầu cử của đương kim Tổng thống Donald Trump đều đã nhận về con số 0 tròn trĩnh. Quốc hội Mỹ ngày 7.1 đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden sau hơn một ngày hỗn loạn.
Kiên quyết không nhận thua và kêu gọi những người ủng hộ mình phản kháng bằng nhiều cách, ông Trump chẳng khác nào đưa mình vào thế "được ăn cả, ngã về không".
Và đúng, ông Trump đã "ngã về không". Ông thua toàn diện trên mặt trận pháp lý, suốt gần 2 tháng ròng sau cuộc bầu cử. Ông thua cả phiếu phổ thông lẫn phiếu đại cử tri. Đảng Cộng hòa của ông cũng hứng chung thất bại ở cả hai viện là Thượng viện và Hạ viện.
Nhưng cái ông Trump thua "đau nhất" chính là cách dư luận, chính giới nói về ông sau khi mãn nhiệm.
Cách đây đúng 3 năm, 11 tháng, 17 ngày, cũng tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, ông Trump tuyên bố "sự tàn phá nước Mỹ phải được chấm dứt". Thế nhưng, cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy tại Đồi Capitol ngày 6.1 do những người ủng hộ ông làm nên đã khiến lời tuyên bố năm xưa của ông Trump trở nên đáng nhớ.
Nước Mỹ chào ông Trump 14 ngày trước khi hết nhiệm kỳ bằng đổ máu, bạo loạn. Bốn người đã chết, hàng chục người bị bắt, thủ đô và bang lân cận ban bố tình trạng khẩn cấp, FBI, vệ binh quốc gia được triển khai, vô số lời chỉ trích và lên án sự kiện người ủng hộ ông Trump xông vào phá cả tòa nhà quốc hội - nơi đang diễn ra cuộc kiểm phiếu bầu đại cử tri để chính thức xác nhận vị tổng thống mới.
Đồng minh của ông Trump lẫn các chính khách, những nhân vật nổi trội của đảng Cộng hòa cũng phải lên tiếng đổ lỗi cho ông Trump về sự kiện vô tiền khoáng hậu này. Thậm chí, đã có những lời kêu gọi dùng Tu chính án thứ 25 để luận tội rồi phế truất ông Trump. Twitter, Facebook phải khóa tài khoản, đánh dấu bài đăng của ông Trump vì lo ngại kích động bạo lực.
Cuộc nổi loạn ngày 6.1 cho thấy một nước Mỹ chia rẽ. Đó là những gì người ta nhìn thấy sau cuộc bầu cử 2020 và cũng là vào những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Giữa lúc sục sôi như vậy, ông Trump ra bài phát biểu dù kêu gọi người ủng hộ về nhà nhưng lại bị đánh giá là không đủ trách nhiệm. Ông Trump - khi đó là Tổng thống Mỹ.
Nhiều cấp dưới của ông Trump quyết định từ chức sau ngày hỗn loạn. Có người giận dữ, có người ngán ngẩm với hành động của những người ủng hộ ông Trump - tự gọi mình là tham gia cuộc biểu tình cứu nước Mỹ.
Bốn năm của ông Trump dần khép lại. Cuối cùng ông Trump cũng chấp nhận chuyển giao quyền lực, nhưng nó không hề êm ả nhưng cách ông nhận lấy quyền lực cách đây 4 năm.
Bước vào chính trường từ vị thế của một tỉ phú doanh nhân, ông Trump mang tới một "làn gió mới" cho nước Mỹ trong 4 năm nhiệm kỳ của mình. Ông có cách điều hành đất nước khác xa người tiền nhiệm. Ông cũng có thành tựu, đó là kinh tế Mỹ ba năm đầu nhiệm kỳ, vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên làm nên lịch sử khi gặp Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên. Và ông vô cùng cứng rắn với Trung Quốc về thương mại.
Thế nhưng, di sản của ông sau 4 năm cũng lại là một nước Mỹ chia rẽ, một nước Mỹ mất lòng tin của đồng minh và đối tác trên mặt trận đa phương - một nước Mỹ đang bị tàn phá vì đại dịch.
Bốn năm của ông khép lại ồn ào. Các nhà quan sát cho rằng sự kiện của hôm nay đã kéo ông Trump lùi lại rất xa, thậm chí có thể ảnh hưởng đến con đường chính trị sắp tới khi ông còn muốn tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Bình luận (0)