Tờ The Washington Post hôm qua dẫn nguồn giới chức Mỹ tiết lộ công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra nghi vấn Tổng thống Donald Trump cản trở công lý. Theo đó, nghi án Nga thông đồng với ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump đang được điều tra mở rộng với phần chất vấn một số quan chức tình báo cấp cao.
Nguồn tin cho hay những quan chức đã đồng ý trả lời chất vấn ngay trong tuần này gồm Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Mike Rogers và cựu Phó giám đốc NSA Richard Ledgett.
Thông tin này xuất hiện giữa lúc một người bạn của Tổng thống Trump là ông Christopher Ruddy, Tổng giám đốc Tổ chức Truyền thông Newsmax Media, tiết lộ tổng thống có thể đang cân nhắc sa thải ông Mueller.
Trước đó, cựu Giám đốc FBI James Comey tại phiên điều trần ngày 8.6 thừa nhận ông từng khẳng định với Tổng thống Trump rằng chủ nhân Nhà Trắng không nằm trong tầm ngắm. Tuy nhiên, các nguồn tin cho rằng điều này đã thay đổi từ khi ông Comey bị sa thải hôm 9.5 và cuộc điều tra mở rộng được tiến hành chỉ vài ngày sau đó.
Phản ứng trước thông tin Tổng thống Trump bị điều tra, ông Mark Corallo, phát ngôn viên cho luật sư riêng của tổng thống, lên tiếng chỉ trích: “Những thông tin FBI rò rỉ liên quan đến tổng thống là xúc phạm, không thể tha thứ được và phạm pháp”. Trong khi đó, Tổng thống Trump phản ứng trên Twitter: “Họ dựng chuyện giả mạo về việc thông đồng với Nga, không tìm thấy bằng chứng nên giờ họ chạy theo chuyện giả mạo về cản trở công lý”.
Giữa lúc Tổng thống Trump đang chịu áp lực từ cuộc điều tra, Thượng viện Mỹ ngày 14.6 đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Moscow và buộc Tổng thống Trump phải thông qua quốc hội nếu muốn dỡ bỏ bất cứ lệnh trừng phạt nào. Có đến 97 nghị sĩ ủng hộ dự luật và chỉ có 2 phiếu chống. Dự luật cần được Hạ viện thông qua và Tổng thống Trump ký ban hành. Theo Đài RT, các lệnh trừng phạt mới được đưa ra nhằm đáp trả việc Nga “vi phạm lãnh thổ Ukraine và Crimea, tấn công mạng, can thiệp vào bầu cử và tiếp tục tấn công tại Syria”.
Các nghị sĩ cho rằng việc nhiều đại diện cả 2 đảng đều ủng hộ trừng phạt Nga cho thấy sự giận dữ đang dâng cao đối với nghi án Nga can thiệp vào bầu cử. Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen cho rằng Kremlin hoàn toàn đáng bị trừng phạt. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain cũng lên tiếng: “Đã từ lâu, thông điệp đối với (Tổng thống Nga) Vladimir Putin là Nga có thể xâm phạm láng giềng, đe dọa đồng minh của Mỹ, tăng cường tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử ở nước ngoài mà không chịu nhiều hậu quả”.
Phản ứng trước thông tin về lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nếu không phải liên quan đến vấn đề Crimea thì phía Mỹ cũng sẽ “sáng tạo” ra những chuyện khác. “Tại sao đột nhiên họ lại bắt đầu nói về các lệnh trừng phạt? Dĩ nhiên đây là bằng chứng cho thấy đấu đá chính trị nội bộ đang tiếp diễn ở Mỹ”. Ông cũng nói thêm rằng nếu các đối tác dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga thì Moscow cũng sẽ có hành động tương tự.
Bình luận (0)