Tờ Nikkei Asia tối 17.6 dẫn thông tin từ Đại sứ quán Mỹ ở Campuchia cho hay Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ ngừng tài trợ cho dự án bảo vệ rừng mang tên Greening Prey Lang.
Lý do mà phía Mỹ đưa ra là vì chính phủ Campuchia đã không đủ hành động để ngăn chặn nạn phá rừng trong các khu bảo tồn. Thay vào đó, tình hình “trở nên tồi tệ hơn”. Cụ thể hơn, theo phía Đại sứ quán Mỹ, khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Prey Lang từ năm 2016 đến nay đã mất khoảng 38.000 ha rừng - tương đương 9% diện tích rừng khu vực này.
“Việc khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra trong và xung quanh Khu bảo tồn động vật hoang dã Prey Lang, và chính quyền Campuchia đã không truy tố đầy đủ các tội phạm về động vật hoang dã hoặc ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp này”, Đại sứ quán Mỹ dẫn ra và nêu thêm: “Ngoài ra, chính phủ tiếp tục im lặng và nhắm mục tiêu vào các cộng đồng địa phương và các đối tác xã hội dân sự của họ, những người lo ngại chính đáng về việc mất tài nguyên thiên nhiên của họ”.
Đại sứ quán cho biết thêm, nguồn tài trợ sẽ được chuyển hướng sang hỗ trợ xã hội dân sự, khu vực tư nhân và mở rộng nông nghiệp nhạy cảm với khí hậu.
Theo giới quan sát, việc chấm dứt chương trình hỗ trợ USAID đánh dấu mối quan hệ Washington - Phnom Penh ngày càng xấu đi. Quyết định trên được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi ông Marcus Ferrara - Tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia, đột ngột kết thúc chuyến thăm tới Căn cứ hải quân Ream sau khi bị từ chối tiếp cận đầy đủ cơ sở này. Căn cứ Ream đóng tại tỉnh Sihanoukville - thuộc khu vực vịnh Thái Lan tức phía nam Biển Đông.
|
Chuyến đi của ông Marcus Ferrara được tiến hành sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, trong chuyến thăm Phnom Penh vào ngày 1.6, đã nêu quan điểm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng Washington “nghiêm túc quan ngại” về “sự hiện diện quân sự” của Trung Quốc tại căn cứ Ream.
Các nhà lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận rằng có kế hoạch cất giữ các khí tài quân sự của Trung Quốc tại căn cứ nằm trên Vịnh Thái Lan.
Sau chuyến thăm bị hủy bỏ, Bộ Quốc phòng Campuchia cáo buộc Mỹ “bóp méo sự thật”. Phía Campuchia cho rằng Tùy viên quân sự Ferrara đã bất ngờ yêu cầu tham quan một địa điểm không có trong danh sách của kế hoạch ban đầu.
Liên quan căn cứ này, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hồi cuối năm ngoái và mới đây công bố thông tin bất thường ở căn cứ Ream. Cụ thể, theo hình ảnh vệ tinh, các cơ sở cũ do Mỹ tài trợ đã bị phá hủy, trong khi các cơ sở mới do Trung Quốc hỗ trợ lại được mọc lên nhanh chóng.
Cuối năm 2019, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin tiết lộ Phnom Penh và Bắc Kinh ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân Ream. Nhưng suốt thời gian qua, Campuchia vẫn luôn bác bỏ thông tin về thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream.
Bình luận (0)