Reuters ngày 21.3 đưa tin Tòa án bang Uttarakhand ở Ấn Độ đã ra quyết định công nhận hai con sông thiêng của người Hindu là sông Hằng và phụ lưu dài nhất của nó là sông Yamuna có đầy đủ các quyền như con người.
Theo đó, hai con sông này có quyền được pháp luật bảo vệ trước các hành vi gây hại và có tư cách riêng trong các vụ tranh chấp.
Quyết định được ban hành ngày 20.3 cũng quy định hai con sông được đại diện bởi người đứng đầu Đoàn quốc gia vệ sinh sông Hằng, cơ quan chính phủ phụ trách bảo tồn và các dự án liên quan đến sông Hằng, cũng như bí thư và tổng chưởng lý của bang.
“Việc này sẽ bảo vệ các con sông vì giờ đây chúng đã có đầy đủ các quyền hiến lập và pháp định như con người, bao gồm quyền được sống”, theo luật sư MC Pant, đại diện cho những người dân kêu gọi chính quyền giải tỏa lấn chiếm bờ sông Yamuna.
Sông Hằng là nguồn nước cho hàng triệu người dân với chiều dài hơn 2.500 km, bắt nguồn từ dãy Himalaya ở phía bắc Ấn Độ và chảy qua Bangladesh trước khi đổ vào vịnh Bengal.
Dòng sông được nhiều người Ấn Độ cho rằng rất linh thiêng và có khả năng chữa bệnh kỳ diệu. Tuy nhiên sông Hằng cũng là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới khi hứng chịu vô số rác thải sinh hoạt và công nghiệp.
Chính phủ Ấn Độ qua nhiều nhiệm kỳ đã chi hàng tỉ USD để làm vệ sinh dòng sông. Thủ tướng Narendra Modi cũng đã tuyên bố sẽ phục hồi dòng sông về nguyên trạng.
Tuy nhiên, nhận định về quyết định mới đây của tòa, tiến sĩ Suresh Rohilla tại Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi cho rằng điều này sẽ có ít tác dụng trong việc bảo vệ dòng sông.
“Nhiệm vụ hiến lập của từng công dân là phải bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả các dòng sông. Chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ và bất chấp các luật về bảo vệ những con sông. Do đó, việc cho các con sông quyền nhiều hơn không có nghĩa là chúng mặc nhiên sẽ có được sự bảo vệ tốt hơn”, ông nói.
Quyết định trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi New Zealand tuyên bố sông Whanganui là một thực thể sống và chỉ định hai người giám hộ nhằm bảo vệ lợi ích của nó. Đây là con sông đầu tiên trên thế giới được hưởng các quyền lợi này.
Bình luận (0)