Sứ mệnh của tàu không gian Trung Quốc ở mặt trăng

30/11/2020 08:15 GMT+7

Hôm qua 29.11, truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu không gian Chang’e 5 (Hằng Nga 5) đã tiến vào quỹ đạo của mặt trăng.

Cụ thể, theo Mạng truyền hình quốc tế Trung Quốc (CGTN), tàu Hằng Nga 5 đã di chuyển đúng kế hoạch đề ra trong sứ mệnh lấy mẫu vật từ mặt trăng lần này.

Bước ngoặt mới

Trước đó, theo CGTN, sáng 24.11, tàu Hằng Nga 5 đã được phóng thành công nhờ lực đẩy của tên lửa khổng lồ Long March 5 (Trường Chinh Y5) từ trung tâm phóng nằm ở bờ biển phía nam đảo Hải Nam. Nếu thành công lấy được mẫu vật thì Trung Quốc sẽ chính thức trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Liên Xô thực hiện được sứ mệnh lịch sử này sau hơn 4 thập niên.

Phi thuyền Trung Quốc lên mặt trăng thu thập mẫu đá

Từ khi Liên Xô đưa thành công con tàu Luna-2, vật thể nhân tạo đầu tiên có thể tiếp cận thiên thể khác, lên mặt trăng vào năm 1959 thì một số quốc gia khác bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã thực hiện được các sứ mệnh tiếp cận mặt trăng. Năm 1976, Luna-24 hạ cánh an toàn xuống mặt trăng và sau đó đã quay trở về trái đất, mang theo 170 gr đất mặt trăng cho Liên Xô.
Sau đó chương trình Apollo diễn ra, một sự kiện đánh dấu lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng, 12 phi hành gia Mỹ qua 6 chuyến bay từ năm 1969 - 1972 đã mang về được 382 kg mẫu đá và đất. Dự kiến, các mẫu vật thu thập được lần này sẽ rất quan trọng vì chúng có thể giúp các nhà khoa học hiểu được hoạt động của núi lửa trên mặt trăng và thời điểm núi lửa hoạt động lần cuối.

Sứ mệnh của Hằng Nga 5

Tàu Hằng Nga 5 được gắn máy quay toàn cảnh, radar xuyên mặt trăng và máy quang phổ để quan sát và phân tích khu vực đổ bộ. Nhiệm vụ quan trọng chính của con tàu này là sẽ khoan 2 m dưới bề mặt mặt trăng và mang khoảng 2 kg đá và các mảnh vỡ để mang về trái đất.
Hằng Nga 5 có tổng cộng 4 mô đun, gồm một tàu quỹ đạo (Orbiter), một tàu đổ bộ mang theo các dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật (Lander), một tàu lấy mẫu vật (Ascender) và một tàu chứa nhỏ để mang các mẫu vật thu được về trái đất an toàn (Returner).
Sau khi tàu Hằng Nga 5 vào đến quỹ đạo của mặt trăng, tàu quỹ đạo và tàu chứa sẽ tách rời và ở lại quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu lấy mẫu vật sẽ đáp xuống mặt trăng. Tàu đổ bộ khi đã đào được mẫu vật bằng máy khoan và cánh tay robot, sẽ chuyển mẫu vật vào khoang của tàu lấy mẫu vật. Sau đó, tàu lấy mẫu vật sẽ rời tàu đổ bộ và chuyển hết mẫu vật cho tàu chứa để đưa chúng về trái đất.
Khoảng một giờ sau khi cất cánh, Hằng Nga 5 sẽ mở các tấm pin mặt trời để tự cung cấp nguồn điện độc lập. Thời gian của tàu đổ bộ Hằng Nga 5 lên mặt trăng dự kiến sẽ khá ngắn. Theo kế hoạch, ngày 28.11, tàu tới được quỹ đạo mặt trăng và trở về vào ngày 16 hoặc 17.12.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.