Sứ mệnh không gian đáng ngờ của Trung Quốc

02/07/2016 08:00 GMT+7

Trung Quốc bị tình nghi thử nghiệm cỗ máy diệt vệ tinh sau vụ phóng tàu không gian có nhiệm vụ dọn dẹp rác vũ trụ mới đây.

Theo Tân Hoa xã, hồi tuần trước, tàu không gian Ngao Long-1 đã được tên lửa Trường Chinh 7 của Trung Quốc đưa lên quỹ đạo từ bãi phóng trên đảo Hải Nam. Tàu được trang bị cánh tay robot để dọn dẹp những vật thể lớn như vệ tinh không còn hoạt động đang trôi nổi trên quỹ đạo.
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Đường Á Cương, nhà khoa học vệ tinh cấp cao thuộc Tập đoàn khoa học kỹ thuật không gian nước này, tuyên bố Ngao Long-1 là tàu đầu tiên trong hàng loạt tàu không gian được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ thu thập rác vũ trụ. Công nghệ chính yếu của tàu là sử dụng cánh tay máy bắt lấy những mảnh rác như vệ tinh phế thải và thả rơi chúng trở lại trái đất “một cách an toàn và có kiểm soát”.
“Trung Quốc đã cam kết kiểm soát và giảm lượng rác vũ trụ. Để hoàn thành nghĩa vụ của mình, Trung Quốc đang nỗ lực tiến đến đạt bước đột phá về công nghệ thu dọn rác vũ trụ”, ông Đường nói.
Tuy nhiên, dù phía Trung Quốc khẳng định nhiệm vụ duy nhất của Ngao Long-1 là thu dọn rác vũ trụ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cỗ máy này hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Vũ khí đồng quỹ đạo
Tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) dẫn lời một chuyên gia giấu tên tại Đài quan sát thiên văn quốc gia ở Bắc Kinh nhận định: “Rất không thực tế khi muốn dọn dẹp rác vũ trụ bằng robot khi có hàng trăm triệu mảnh đang lơ lửng trong không gian”. Vì thế, theo ông, Ngao Long-1 có thể là bản nguyên mẫu được phóng thử nghiệm nhằm phát triển vũ khí chống vệ tinh.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn trên Đài CNBC, Giáo sư John Logsdon thuộc Đại học George Washington (Mỹ) cũng cảnh báo: “Có rất nhiều cách để tấn công vệ tinh và Trung Quốc đang theo đuổi tất cả những biện pháp ấy”.
Giới quan sát cũng chỉ ra rằng việc phóng Ngao Long-1 khá phù hợp với những dự đoán về chương trình vũ khí không gian Trung Quốc được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10.2015 của Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) thuộc quốc hội Mỹ. “Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển năng lực tấn công không gian mạnh mẽ trên diện rộng, bao gồm tên lửa chống vệ tinh, hệ thống chống vệ tinh quỹ đạo, khả năng tấn công mạng, thiết bị gây nhiễu vệ tinh đặt trên mặt đất và vũ khí năng lượng. Vũ khí hạt nhân của nước này cũng có khả năng tấn công ngoài không gian”, báo cáo viết.
Văn bản này còn trích lời nhiều nhà khoa học và chuyên gia quân sự khẳng định thêm Bắc Kinh đang phát triển vũ khí chống vệ tinh đồng quỹ đạo, tức vũ khí bay cùng quỹ đạo với các vệ tinh khác. “Các hệ thống này bao gồm tàu không gian hoặc vệ tinh được trang bị vũ khí, có thể là chất nổ, đầu đạn, vũ khí laser, vô tuyến hoặc cánh tay robot”. Vũ khí này sẽ tiếp cận mục tiêu rồi phóng hỏa lực để làm tê liệt, phá hủy hoặc dùng cánh tay robot để chụp bắt.
Hồi năm 2008, Trung Quốc từng đưa một vệ tinh dân sự đến gần Trạm không gian quốc tế (ISS) mà không thông báo trước và hành động này bị Mỹ cáo buộc là nhằm thử khả năng tiếp cận mục tiêu của vũ khí.
Ngao Long-1 là một tàu vũ trụ nhỏ, nặng chỉ vài trăm ký nên có thể được chế tạo và triển khai số lượng lớn. Trong trường hợp nổ ra xung đột, chúng có thể được dùng để răn đe hoặc trực tiếp đối phó phương tiện của đối phương trong không gian. Theo chuyên gia giấu tên của Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc, tàu Ngao Long-1 cũng có thể đóng vai trò là một vũ khí chống vệ tinh “ít gây điều tiếng” so với phóng tên lửa bắn vỡ tan vệ tinh và gây ra các mảnh vỡ rơi xuống trái đất.
Thách thức của Ngao Long-1
Theo SCMP, một nhà khoa học vũ trụ khác của Trung Quốc nhận định cuộc phóng tàu Ngao Long-1 là một “thí nghiệm mạo hiểm” với khả năng thất bại cao. “Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng có những thách thức đáng kể đang ở phía trước, bao gồm một số vấn đề mà chưa quốc gia nào giải quyết được”, ông nói. Vì thế, theo chuyên gia này, chương trình phát triển lớp tàu Ngao Long vượt khỏi phạm vi của một cơ quan dân sự và có thể đang được quân đội hậu thuẫn.
Thách thức lớn nhất là tiến gần một “mục tiêu bất hợp tác” trong không gian. Tức những vệ tinh luôn chuyển động ở tốc độ cao. Hệ thống cảm biến, dò tìm và máy tính của Ngao Long-1 sẽ phải hoạt động cật lực để phân tích mô hình thay đổi vị trí bất thường của mục tiêu và nhanh chóng tiếp cận để định hướng cho cánh tay robot vươn ra giữ chặt vệ tinh đối phương. Đây được cho là phép thử cực khó cho khả năng công nghệ hiện tại của Trung Quốc.
Vì thế, song song với chương trình Ngao Long, Bắc Kinh được cho là vẫn tiến hành phát triển các loại tên lửa phá hủy vệ tinh. Theo giới tình báo và quân đội Mỹ, Trung Quốc đang sở hữu tên lửa SC-19 có khả năng bắn hạ vệ tinh ở quỹ đạo thấp cũng như tên lửa tầm cao DN-2. Trong đó, tên lửa SC-19 được cho là đã phóng thử lần đầu vào tháng 1.2007 và phá hủy thành công một vệ tinh dự báo thời tiết cũ của Trung Quốc, khiến gần 3.000 mảnh vỡ rơi vào quỹ đạo.
Đến năm 2010, Trung Quốc tuyên bố tiến hành thử nghiệm “công nghệ đánh chặn tên lửa giữa hành trình từ mặt đất” nhằm vào một tên lửa đạn đạo, nhưng tài liệu mật của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ cho rằng đó là vụ thử tên lửa SC-19.
Tên lửa DN-2 thì được cho là phóng thử lần đầu vào tháng 5.2013. Theo báo cáo của USCC, tên lửa DN-2 có thể bắn trúng vệ tinh GPS và phù hợp để tấn công vệ tinh do thám và tình báo của Mỹ. Washington đánh giá tên lửa này có thể được triển khai sau 5 - 10 năm nữa.
Mỹ hiện có nhiều vệ tinh nhất trên không gian với trên 500 trong số khoảng 1.300 vệ tinh còn hoạt động trên quỹ đạo. Trong các báo cáo thường niên, Lầu Năm Góc cho biết mỗi năm ngân sách cho hoạt động vũ trụ là 10 tỉ USD, nhưng theo giới quan sát, chi phí thực tế phải lên đến 25 tỉ USD nếu tính luôn vệ tinh gián điệp và các vệ tinh mật. Phần lớn trong số này được sử dụng để định vị, kiểm soát vũ khí hoặc cung cấp tín hiệu dẫn đường cho máy bay không người lái và các loại bom thông minh trong những chiến dịch chống lực lượng vũ trang cực đoan ở Nam Á và Trung Đông.
Trong bối cảnh nhiều đối thủ tiềm tàng đang ra sức phát triển vũ khí chống vệ tinh, Lầu Năm Góc cũng cấp tập phát triển công nghệ nhằm cải thiện năng lực phòng thủ trên quỹ đạo. Các thế hệ vệ tinh kế tiếp cũng sẽ được trang bị năng lực phòng thủ mạnh hơn cho vệ tinh, chẳng hạn khả năng di chuyển tránh thoát tên lửa cũng như xây dựng hệ thống radar cảnh báo sớm trên mặt đất có thể phát hiện phi thuyền lạ tiến gần đến vệ tinh, theo chuyên san National Defense.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.