Chạy đua vũ khí không gian

11/12/2015 10:56 GMT+7

Quân đội Mỹ đứng ngồi không yên trước thông tin liên tiếp về các vụ thử vũ khí chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc.

Quân đội Mỹ đứng ngồi không yên trước thông tin liên tiếp về các vụ thử vũ khí chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc.

Một vụ thử tên lửa của Trung Quốc - Ảnh: Chinanews.comMột vụ thử tên lửa của Trung Quốc - Ảnh: Chinanews.com
Trong một sự kiện mới đây tại Đồi Capitol, chỉ huy Bộ Tư lệnh không gian trực thuộc không quân Mỹ, tướng John Hyten, tỏ ra quan ngại về việc Nga và Trung Quốc lần lượt thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh, tạo ra một lượng rác thải vũ trụ đáng kể hứa hẹn bám chặt quỹ đạo trái đất trong nhiều thập niên hoặc thậm chí vài thế kỷ tới.
Dự án Nudol
Trang tin The Washington Free Beacon cho hay một trong hai vụ thử mà tướng Hyten đề cập đến chính là việc Nga lần đầu tiên thử nghiệm thành công Nudol, loại tên lửa diệt vệ tinh bằng cách bắn phá trực tiếp mục tiêu, vào ngày 18.11. Tướng Hyten cho hay ông không thể cung cấp thêm thông tin tình báo liên quan đến các vụ thử của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ huy Bộ Tư lệnh không gian Mỹ cảnh báo hai nước này đang phát triển năng lực chiến đấu dành riêng cho chiến trường trên quỹ đạo, đe dọa những vệ tinh đóng vai trò chủ chốt của Mỹ, theo tờ Colorado Springs Gazette. Dựa trên tin tức do giới truyền thông Nga loan tải, vũ khí này được Tập đoàn phòng không Almaz-Antey chế tạo theo dự án phát triển thử nghiệm Nudol OKR. Đây cũng là lần đầu tiên Nudol bắn trúng mục tiêu sau 2 lần thử thất bại trước đó.
Vệ tinh Mỹ nổ bí ẩn
Trong lúc quan ngại tiếp tục gia tăng xung quanh các chương trình diệt vệ tinh của Nga - Trung, The Washington Free Beacon dẫn thông báo từ Trung tâm các chiến dịch không gian kết hợp cho hay một vệ tinh thời tiết của Mỹ đã nổ tung đầy bí ẩn vào cuối tháng 11. Được gọi là NOAA 16, vệ tinh này đã ngưng hoạt động từ năm ngoái, nhưng vẫn duy trì độ cao cho đến khi phát nổ trong lúc xoay quanh vùng cực. Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh không gian thuộc không quân Mỹ Nick Mercurio cho biết không phát hiện vệ tinh nào hoặc các vật thể khác ở khoảng cách gần NOAA 16 trước sự cố khiến vệ tinh bị phá hủy.
Chuyên gia Pavel Podvig, Giám đốc dự án Các lực lượng hạt nhân Nga, cho hay một ảnh đồ họa về Nudol đã được đăng tải trên website Live Journal. “Tuy thông tin rất ít ỏi nhưng tôi có thể nói rằng Nudol được phát triển như là một bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không”, theo ông Podvig.
Ông cho rằng dự án trên có thể liên quan đến một chương trình bí mật nhằm nâng cấp lá chắn tên lửa cho Moscow, gọi là dự án Samolet-M. Và việc dùng Nudol bắn hạ vệ tinh là điều hoàn toàn có thể xảy ra, giống như trường hợp Mỹ từng sử dụng một phiên bản cải tiến của tên lửa SM-3 để bắn hạ vệ tinh đang rơi. Tuy nhiên, chuyên gia Nga lưu ý rằng hệ thống Nudol dường như sử dụng radar cố định, dẫn đến giới hạn năng lực chống vệ tinh. Nếu không có radar di động, hệ thống chỉ có thể bắn hạ các vệ tinh di chuyển ngang qua bầu trời Moscow.
Nguy cơ từ Dong Neng-3
Mặc dù vẫn chưa chính thức đề cập đến chương trình của Nga, nhưng Washington lâu nay đã lên tiếng phản đối tham vọng chế tạo vũ khí không gian của Bắc Kinh, gọi đây là hành vi gây bất ổn. Chính quyền Mỹ mới đây đã tiếp tục chỉ trích việc Trung Quốc phóng thử tên lửa diệt vệ tinh Dong Neng-3 (Động Năng-3) vào ngày 30.10 từ bãi thử Khố Nhĩ Lặc ở Tân Cương. Theo đó, trang Guancha.com ngày 1.11 đã đưa tin về những vệt trắng có quỹ đạo bất thường gần TP.Khố Nhĩ Lặc. Vài ngày sau, tờ Minh Báo ở Hồng Kông dẫn nguồn thạo tin cho hay có vẻ như đây là một vụ thử tên lửa đánh chặn giai đoạn cuối được thực hiện ở thượng tầng khí quyển. “Năng lực đánh chặn là một trong những khả năng của tên lửa Hongqi-19 (Hồng Kỳ-19) của Trung Quốc đại lục, và có thể được triển khai để bắn hạ những mục tiêu đang lướt ở tốc độ siêu thanh”, theo tờ báo.
Theo đánh giá của giới chức quân sự Mỹ, Dong Neng-3 là tên lửa diệt vệ tinh trực diện được thiết kế để lao vào mục tiêu và hủy diệt chúng. Vụ thử vào ngày 30.10 được xem là lần thứ 8 Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh.
Rick Fisher, một nhà phân tích quân sự của Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế, cho hay nếu Bắc Kinh chính thức xác nhận vụ thử trên, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc công nhận sự tồn tại của Dong Neng-3, một phiên bản được điều chỉnh của Dong Neng-2 giúp thọc sâu hơn vào không gian. Dong Neng-3 được cho là đặt trên bệ phóng KZ-11, có thể đánh chặn những mục tiêu trên quỹ đạo cao hơn so với Dong Neng-2. Cách đây 2 năm, Washington đã báo động sau khi vụ phóng Dong Neng-2 vào tháng 5.2013 đã đưa tên lửa lên độ cao gần 30.000 km, theo The Washington Free Beacon.
Tuy nhiên, trong chương trình 60 Minutes của Đài CBS mới đây, tướng Hyten tiết lộ Mỹ đang chế tạo những vũ khí để ngăn chặn tham vọng thống lĩnh không gian của Trung Quốc. Nếu vệ tinh của Mỹ bị đe dọa, “chúng tôi có toàn quyền phòng thủ và chúng tôi đảm bảo sẽ thực hiện tốt quyền đó”, theo tướng Hyten.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.