Chương trình vũ khí không gian của Trung Quốc

20/10/2015 14:26 GMT+7

Chi tiết về chương trình vũ khí không gian của Trung Quốc được hé lộ trong báo cáo mới của Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung.

Chi tiết về chương trình vũ khí không gian của Trung Quốc được hé lộ trong báo cáo mới của Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung.

Trung Quốc được cho là đang nỗ lực thách thức vị thế của Mỹ trong không gian - Ảnh: US Air ForceTrung Quốc được cho là đang nỗ lực thách thức vị thế của Mỹ trong không gian - Ảnh: US Air Force
Tờ The Washington Times dẫn báo cáo do Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) thuộc quốc hội Mỹ soạn thảo cho biết Trung Quốc đang xúc tiến nhiều loại vũ khí nhằm phá hủy hoặc gây nhiễu hệ thống vệ tinh của Mỹ.
“Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển năng lực tấn công không gian mạnh mẽ trên diện rộng, bao gồm tên lửa chống vệ tinh, hệ thống chống vệ tinh quỹ đạo, khả năng tấn công mạng, thiết bị gây nhiễu vệ tinh đặt trên mặt đất và vũ khí năng lượng. Vũ khí hạt nhân của nước này cũng có khả năng tấn công ngoài không gian”, báo cáo viết. Trung Quốc chưa có bình luận gì về nội dung của văn bản này.
SC-19 và DN-2
Theo báo cáo, Trung Quốc đang phát triển 2 loại tên lửa có thể tấn công vệ tinh ở cả quỹ đạo thấp lẫn quỹ đạo cao của trái đất. Trong đó, tên lửa SC-19 được cho là đã phóng thử lần đầu vào tháng 1.2007 và phá hủy thành công một vệ tinh dự báo thời tiết cũ của Trung Quốc, khiến gần 3.000 mảnh vỡ rơi vào quỹ đạo. Sau đó, do phản ứng mạnh của Mỹ và một số bên khác nên Bắc Kinh trở nên bí mật hơn về chương trình tên lửa chống vệ tinh.
Đến năm 2010, Trung Quốc tuyên bố tiến hành một cuộc thử nghiệm “công nghệ đánh chặn tên lửa giữa hành trình từ mặt đất” nhằm vào một tên lửa đạn đạo, nhưng tài liệu mật của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ cho rằng đó là vụ thử tên lửa SC-19. USCC cho rằng lần thử SC-19 gần đây nhất là vào năm 2013.
Bên cạnh đó, chuyên san The Diplomat dẫn các nguồn tin từ Washington cho hay vào tháng 5.2013, Trung Quốc đã phóng một tên lửa vào không gian từ bãi phóng Tây Xương ở tây nam nước này. Khi đó, truyền thông trong nước mô tả đây là cuộc thử nghiệm “nhằm điều tra các hạt năng lượng và từ trường trong địa tần ion hóa và không gian gần trái đất”.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định thiết bị được thử nghiệm là DN-2, tên lửa chống vệ tinh mới của Trung Quốc. Theo báo cáo của USCC, tên lửa DN-2 có thể bắn trúng vệ tinh GPS của Mỹ và phù hợp để tấn công vệ tinh do thám và tình báo của Mỹ. Washington đánh giá tên lửa này được thử nghiệm thường xuyên trong năm 2014 và có thể được triển khai sau 5 - 10 năm nữa.
Những “đồ chơi” khác
Ngoài tên lửa, Trung Quốc được cho là cấp tập phát triển các hệ thống chống vệ tinh có thể hoạt động trên quỹ đạo. “Những hệ thống này bao gồm một vệ tinh được trang bị vũ khí năng lượng, tia laser, thiết bị phá sóng hoặc cánh tay robot”, báo cáo của USCC viết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vệ tinh vũ khí này sẽ tiếp cận vệ tinh đối phương rồi phóng hỏa lực để làm tê liệt, phá hủy hoặc dùng cánh tay robot để chụp bắt. Hồi năm 2008, Trung Quốc đưa một vệ tinh dân sự đến gần Trạm không gian quốc tế (ISS) mà không thông báo trước và hành động này bị Mỹ cáo buộc là nhằm thử khả năng tiếp cận mục tiêu của vệ tinh.
Tin tặc cũng được cho là đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược quân sự không gian của Trung Quốc khi báo cáo của USCC cáo buộc tin tặc có nguồn gốc từ nước này đứng sau một loạt vụ tấn công nhằm vào các tài sản trong không gian của Mỹ, bao gồm vụ xâm nhập vệ tinh của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia và các hệ thống dự báo thời tiết hồi tháng 9.2014. “Nếu thực hiện thành công, các đòn tấn công mạng sẽ đe dọa đáng kể ưu thế thông tin của Mỹ, càng nghiêm trọng hơn nếu mục tiêu là những vệ tinh tình báo và quân sự nhạy cảm”, báo cáo viết.
USCC nhận định quân đội Trung Quốc (PLA) coi việc phô diễn khả năng tấn công vệ tinh có tác dụng răn đe quan trọng không kém vũ khí hạt nhân. “PLA đánh giá hệ thống vệ tinh có ý nghĩa sống còn đối với khả năng duy trì hoạt động tác chiến của Mỹ trên toàn cầu”, báo cáo viết.
Các chiến lược gia của PLA cũng cho rằng nếu hệ thống vệ tinh gặp sự cố, quân đội Mỹ sẽ mất thế chủ động và gặp thách thức lớn trong việc sử dụng các loại vũ khí được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác. Theo ước tính, khoảng 50 vệ tinh do thám của Mỹ cùng với các máy bay có và không người lái đã đáp ứng 70% hoạt động thông tin liên lạc trên chiến trường trong chiến dịch ở Kosovo hồi thập niên 1990.
Tin tặc Trung Quốc “tấn công tòa án quốc tế”
Tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc bị cho là đã tấn công hệ thống mạng của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA), nơi đang thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Theo Bloomberg, vụ việc xảy ra hồi tháng 7, nhưng nguyên nhân chỉ mới được làm sáng tỏ gần đây.
Cụ thể, qua phân tích phần mềm mã độc và cách thức tấn công, Công ty an ninh mạng ThreatConnect (Mỹ) cáo buộc tin tặc Trung Quốc đã cài vào website của PCA một mã độc có thể lây nhiễm sang máy tính của những người truy cập.
Điều này khiến các nhà ngoại giao, luật sư và nhà báo quan tâm đến vụ kiện của Philippines có thể bị theo dõi và đánh cắp thông tin. Cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều từ chối bình luận về thông tin trên, theo Bloomberg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.