Sự trở lại ngoạn mục của 'nguyên lão' Mahathir Mohamad
10/05/2018 11:13 GMT+7
Ở tuổi 93, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trở lại nắm quyền sau chiến thắng vang dội của Liên minh Hy vọng (PH) do ông dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9.5.
Tự động phát
Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Malaysia
Ông Mahathir Mohamad từng là thủ tướng Malaysia, đứng đầu liên minh Mặt trận quốc gia (BN) trong 22 năm, tức từ năm 1981 cho đến khi ông từ chức vào năm 2003.
Dưới thời ông cầm quyền, Malaysia chuyển mình trở thành một trong những con hổ châu Á, tức chỉ những nước phát triển nền kinh tế vượt bậc trong thập niên 1990, theo BBC.
Ông Mahathir gia nhập đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Malaysia (UMNO), một phần trong liên minh Mặt trận quốc gia ở tuổi 21. Trong giai đoạn này, ông hành nghề bác sĩ suốt 7 năm tại bang quê nhà Kedah trước khi bước chân vào quốc hội Malaysia vào năm 1964.
Năm năm sau, ông mất ghế nghị sĩ và bị buộc rời khỏi đảng UMNO sau khi viết một bức thư công khai chỉ trích chính sách của Thủ tướng lúc bấy giờ Tunku Abdul Rahman.
Năm 1974, ông được các lãnh đạo trẻ tuổi của UMNO mời lại vào đảng và trở thành nghị sĩ. Không lâu sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Trong vòng 4 năm, ông giữ chức Phó chủ tịch của UMNO và vào năm 1981, ông trở thành thủ tướng Malaysia.
Với chính sách ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao của ông Mahathir, Malaysia trở thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển nổi trội ở châu Á vào thập niên 1990.
Đến giữa năm 2002, ông Mahathir gây bất ngờ cho người dân Malaysia khi tuyên bố nghỉ hưu. Ngay sau đó, ông rút lại quyết định từ chức vì ban lãnh đạo UMNO đã đề nghị ông ở lại. Ông Mahathir đồng ý nắm quyền thêm 16 tháng để tạo một sự chuyển tiếp cho chính quyền mới.
|
Sửa chữa “sai lầm lớn nhất”
Ngay cả khi về hưu, ông Mahathir chưa bao giờ rời khỏi chính trường. Ông đã công khai chỉ trích các chính sách của người kế nhiệm Abdullah Badawi và sau khi liên minh cầm quyền thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008, ông Mahathir đã rời bỏ đảng UMNO trong nỗ lực được cho là nhằm gây áp lực buộc ông Abdullah từ chức. Điều này đã mở đường cho ông Najib Razak lên nắm quyền vào năm 2009.
Tuy nhiên, sự ủng hộ ban đầu của ông Mahathir đối với ông Najib đã thay đổi khi đương kim Thủ tướng bị cáo buộc tham nhũng gây thất thoát hàng tỉ USD trong Quỹ đầu tư phát triển đất nước 1MDB do chính phủ của ông Najib lập ra và quản lý. Ông Najib cũng bị tố bỏ túi 700 triệu USD từ quỹ này. Lãnh đạo Malaysia đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời cho rằng đây là âm mưu chính trị nhằm vào mình.
Ông Mahathir quyết định lập đảng mới và thống nhất các đảng đối lập tham gia cuộc tổng cử ngày 9.5 nhằm lật đổ Thủ tướng Najib. Ông Mahathir từng gọi đây là nỗ lực nhằm sửa chữa “sai lầm lớn nhất trong đời mình”.
Thủ tướng Najib cũng thừa nhận quan hệ giữa ông với cựu lãnh đạo Mahathir đã trở nên căng thẳng vào đầu thập niên 2010 do ông không chịu làm theo lệnh của ông Mahathir. Cũng theo Reuters, từng là đồng minh thân thiết nhưng hiện ông Mahathir thường xuyên cáo buộc Thủ tướng Najib “tham nhũng”.
Việc trở lại của ông Mahathir được xem là bước đi mở đường cho thủ lĩnh đối lập Anwar Ibrahim trở thành thủ tướng. Cựu Phó thủ tướng Malaysia này cũng từng được ông Mahathir nâng đỡ nhưng rồi bị thất sủng năm 1999 và hiện đang ngồi tù vì tội “quan hệ đồng tính”. Ông Anwar khẳng định mình “bị hãm hại vì lý do chính trị”.
Ông Mahathir từng tuyên bố nếu đắc cử thì sẽ chỉ cầm quyền trong 2 năm, sau đó sẽ chuyển giao quyền lực cho ông Anwar Ibrahim.
Trong khi đó, thất bại trong cuộc tổng tuyển cử này chỉ là khởi đầu cho hàng loạt rắc rối ông Najib sẽ gặp phải trong thời gian sắp tới. Ông Mahathir từng tuyên bố một khi đắc cử thủ tướng sẽ buộc ông Najib phải đối mặt với công lý liên quan tới vụ bê bối Quỹ đầu tư 1MDB.
Bình luận (0)