The Hill đã dẫn lại một nghiên cứu được công bố ngày 4.8 trên tạp chí Quaternary về xác hai con sư tử hang động châu Âu non ở Siberia (Nga). Hai mẫu vật này được những thợ săn ngà voi ma mút địa phương phát hiện vào năm 2017 và 2018.
Các nhà nghiên cứu ban đầu cho rằng hai con sư tử non, khoảng 1 hoặc 2 tháng tuổi, là anh em ruột vì chúng được phát hiện chỉ cách nhau 15 m. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy chúng cách nhau khoảng 15.000 năm tuổi.
Con sư tử non cái được đặt tên là Sparta và sống khoảng 28.000 năm trước. Trong khi đó, Boris, một con sư tử non đực, đã hơn 43.000 năm tuổi, theo phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon.
Nghiên cứu cho biết xác của Sparta được bảo quản trong lớp băng vĩnh cửu và gần như vẫn còn nguyên vẹn. Bộ lông của con sư tử vẫn được bảo quản tốt cùng với răng, da, mô mềm và các bộ phận.
“Sparta có lẽ là mẫu động vật từ kỷ Băng hà được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn nhất từ trước đến nay. Cái xác gần như không bị hư hại, ngoài bộ lông hơi xù. Ria mép của Sparta thậm chí vẫn còn nguyên. Boris bị hư hại nhiều hơn một chút, nhưng vẫn trong tình trạng khá tốt”, CNN dẫn lời ông Love Dalen, giáo sư di truyền học tiến hóa tại Trung tâm Cổ sinh vật học ở Stockholm (Thụy Điển) và là tác giả của nghiên cứu, cho biết.“Xác được bảo quản tốt như vậy chứng tỏ hai con sư tử này bị chôn vùi rất nhanh. Có thể chúng đã chết trong một trận lở đất, hoặc rơi vào một vết nứt trên lớp băng vĩnh cửu”, ông Dalen nói.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng bộ lông của những con sư tử hang động châu Âu non có điểm giống với lông của những con sư tử châu Phi non ở hiện đại. Tuy nhiên, những con sư tử thời cổ đại có lớp lông tơ dày và dài, giúp chúng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của khu vực.
Sư tử hang động châu Âu là loài động vật đã tuyệt chủng. Chúng từng phân bố rộng rãi khắp miền đông Siberia vào cuối thế Pleistocen và là một họ hàng lớn có kích thước lớn hơn của những con sư tử châu Phi ngày nay.
Bình luận (0)