Ngày 5.9, tạp chí Diplomat đưa tin hải quân Ấn Độ vừa tiếp nhận loạt tên lửa LRSAM tự sản xuất đầu tiên dựa vào công nghệ do Israel cung cấp. Thương vụ này giữa New Delhi và Tel Aviv nằm trong các đơn hàng có tổng trị giá hàng tỉ USD để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa toàn diện cho Ấn Độ. Cụ thể, LRSAM mà Ấn Độ vừa trang bị là một phiên bản tầm xa của loại hỏa tiễn phòng thủ Barak 8 do người Do Thái phát triển. Về lâu dài, hai bên dự kiến còn hợp tác nhiều hơn để chia sẻ công nghệ về hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng mà Tel Aviv đang phát triển.
Dấu ấn thực chiến
Nhiều năm qua, nền công nghiệp quốc phòng Israel đã thể hiện năng lực đáng nể về tên lửa phòng không, nổi bật phải kể đến hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt). Vào năm 2014, tờ Los Angeles Times dẫn một số nguồn tin quân sự tiết lộ khẩu đội Vòm Sắt với tên lửa Tamir đã đánh chặn chính xác đến 90% số rốc két và trọng pháo do các lực lượng khác bắn vào Israel. Với khả năng đánh chặn từ 4 - 70 km, Iron Dome được đánh giá đủ sức bảo vệ khu vực rộng khoảng 150 km2 an toàn trước mối nguy tấn công bằng tên lửa, và tất nhiên là kể cả chiến đấu cơ. Cũng chính vì thế, từ vài năm qua, Hàn Quốc đã tìm cách mua Iron Dome từ Israel nhằm tăng cường khả năng phòng vệ nguy cơ tên lửa và lực lượng pháo phản lực đa nòng mà CHDCND Triều Tiên triển khai gần khu vực phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
|
Không chỉ nổi bật với Iron Dome, Israel còn gây chú ý với dòng tên lửa phòng thủ tầm trung Arrow 2 trong một sự kiện “vô đối” diễn ra vào tháng 3 năm nay. Cụ thể, tên lửa đánh chặn Arrow 2 của Israel trong chưa đầy 1 phút đã bắn hạ tên lửa SA-5 của Israel. Việc Arrow 2 đánh chặn trúng đích một tên lửa tấn công thì chẳng có gì lạ lẫm, nhưng SA-5 chính là dòng tên lửa phòng không S-200 mà Nga từng tự hào. Điều đó có nghĩa là Arrow 2 đã “hạ thủ” thành công một tên lửa đánh chặn khác nên khiến giới nghiên cứu quân sự phải ấn tượng. Arrow 2 là một trong các phiên bản hỏa tiễn đánh chặn Arrow vốn cũng rất nổi tiếng của người Do Thái.
Mạng lưới toàn diện
Thực tế, Israel đang sở hữu dàn tên lửa phòng thủ rất đa dạng. Bên cạnh Iron Dome, nước này còn có hệ thống tên lửa SPYDER đánh chặn có tầm bắn từ 1 - 15 km với tầm bay từ 20 - 9.000 m. Đây là loại vũ khí phòng thủ được một số nước ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, lẫn châu Mỹ lựa chọn. Ở tầm chiến đấu gần hơn nữa, Israel đang phát triển Iron Beam chuyên dụng đánh chặn các loại đạn pháo ở tầm ngắn hơn 7 km. Loại vũ khí sử dụng công nghệ laser chỉ mất 4 - 5 giây để bắn hạ mục tiêu.
Về khả năng tác chiến tầm trung, từ nền tảng Barak 8, Israel đã phát triển các mạng lưới tên lửa phòng thủ có tầm bắn từ 0,5 - 90 km và trong thực tế thì một số nguồn tin quân sự còn khẳng định chủng loại hỏa tiễn này có thể đạt tầm bắn đến 150 km. Barak với các phiên bản MRSAM hay LRSAM được cho là một đối thủ không hề thua kém so với hệ thống S-300 vốn là niềm tự hào của nước Nga, bởi phần lớn các phiên bản S-300 được xuất khẩu đều có tầm bắn dưới 200 km. Nhất là khi LRSAM của Israel sở hữu công nghệ điện tử tối tân.
Không những vậy, Israel cũng vừa bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa David’s Sling có tầm bắn lên đến 300 km với công nghệ nhận diện mục tiêu được cho là không thua kém đối thủ nào trên thế giới. David’s Sling còn có trần bay 90 km nên đủ sức đánh chặn từ sớm nhiều loại tên lửa đạn đạo. Chính vì thế, việc triển khai David’s Sling đã giúp quốc gia Do Thái hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng toàn diện.
UAV phòng thủ
Israel còn có “món đồ chơi” khá ấn tượng là dòng sản phẩm máy bay không người lái (UAV) Hero chuyên dụng tấn công cảm từ kiểu kamikaze của Nhật thời Thế chiến 2. Đặc biệt, với công nghệ mới, Hero gồm các phiên bản Hero-30, Hero-70, Hero-120, Hero-250, Hero-400 và Hero-600 còn có khả năng tác chiến thông minh.
|
Bình luận (0)