Xung quanh nội dung trên, ngày 17.9, Thanh Niên đã phỏng vấn GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) và TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ).
Duy trì chính sách đối ngoại
Tân thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ mở rộng chính sách của người tiền nhiệm Shinzo Abe về một tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)?
GS Yoichiro Sato: Tân thủ tướng Suga đã công khai tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách mà người tiền nhiệm Shinzo Abe đã đề ra. Nhưng trong đó, thì chính sách đối ngoại có thể là lĩnh vực không quen thuộc của ông Suga.
Tầm nhìn Indo-Pacific mà cựu Thủ tướng Abe đưa ra khá toàn diện, bao gồm cả vấn đề an ninh, quân sự và kinh tế cũng như các hoạt động ngoại giao với cả khu vực bên ngoài Thái Bình Dương và vùng ven Ấn Độ Dương. Tôi tin rằng chính sách đối ngoại của ông Abe sẽ được kế tục dưới thời Thủ tướng Suga.
TS Satoru Nagao: Chữ “mở rộng” ở đây cần được làm rõ. Thủ tướng Suga có tiếp tục chính sách của ông Abe hay không? Tôi nghĩ là có. Nhưng ông Suga không phải là nhà chiến lược như người tiền nhiệm Abe - người vốn đã tạo ra tầm nhìn Indo-Pacific, “Bộ tứ an ninh” (gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ - NV). Vì vậy, nếu chọn từ ngữ mô tả thì tôi cho là “duy trì” lộ trình sẵn có chứ không phải mở rộng.
Trong vai trò trước đây, ông Suga đã làm tốt việc điều phối giữa các bộ. Ông cũng có kỹ năng giải thích các chính sách của ông Abe với giới truyền thông. Vì vậy, ông biết cách để kế nhiệm ông Abe.
Tuy nhiên, tân Thủ tướng Suga chưa trải qua các vị trí như Bộ trưởng Quốc phòng hay Ngoại trưởng, nên tầm nhìn của ông về chiến lược đối ngoại chưa thể hiện rõ ràng. Vì thế, nhiều khả năng là tầm nhìn của Thủ tướng Suga về chính sách đối ngoại sẽ chịu ảnh hưởng bởi những người có kinh nghiệm trong nội các của ông. Trước đây, khi còn làm thủ tướng, ông Abe đã thành lập Ban thư ký của Hội đồng an ninh quốc gia nhằm xây dựng chiến lược an ninh. Ban này vẫn tiếp tục hoạt động dưới thời ông Suga. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi dưới thời ông Abe cũng tiếp tục giữ vị trí này trong nội các mới. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi là em trai của ông Abe và hai anh em có nhiều quan điểm chung về chính trị.
Từ các yếu tố trên, chính phủ thời ông Suga sẽ tiếp tục duy trì định hướng chiến lược của ông Abe, nhưng có “mở rộng” hay không thì chưa thể khẳng định.
Nhật sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Nhật ở Indo-Pacific nói chung và Biển Đông nói riêng thời gian qua? Vai trò đó sẽ thế nào trong tương lai?
GS Yoichiro Sato: Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ về các vấn đề an ninh của khu vực Indo-Pacific, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Nhật sẽ tập trận thường xuyên hơn với Mỹ ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Các cuộc tập trận có thể có sự tham gia của nước khác theo hình thức 3 hoặc 4 bên, như cuộc tập trận chung của Mỹ - Nhật - Úc - Hàn Quốc ở đảo Guam gần đây.
Về mặt ngoại giao, Nhật vẫn đóng vai trò hàng đầu trong việc cân bằng sự xâm nhập bằng tài chính của Trung Quốc đối với các nước ven Indo-Pacific. Hỗ trợ tài chính từ Tokyo sẽ cung cấp giải pháp thay thế, cạnh tranh với các dự án vay vốn của Bắc Kinh. Điều này giúp ngăn Trung Quốc thống trị về mặt tài chính đối với các nước đang có các khoản nợ lớn trong khu vực.
TS Satoru Nagao: Trước các diễn biến gần đây, các nước trong khu vực đã phối hợp duy trì cân bằng quân sự với Trung Quốc. Để duy trì sự cân bằng này, vai trò của các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực rất quan trọng. Cả Nhật Bản, Ấn Độ, Úc… hay các nước Đông Nam Á cùng chia sẻ gánh nặng an ninh nhiều hơn. Trong khuôn khổ an ninh mới này, Tokyo đã tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác của Washington, đặc biệt là với New Delhi và Canberra. Sắp tới, Nhật cần tiếp tục thúc đẩy điều này và Ấn Độ là quốc gia mà Nhật Bản cần tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh.
Một vai trò khác của Nhật đối với khu vực là tăng cường hỗ trợ các nước Đông Nam Á củng cố thực lực quốc phòng. Vì Trung Quốc đang lợi dụng tình hình để thể hiện sự “hung hăng” trên Biển Đông. Việc viện trợ và cung cấp thiết bị quân sự là biện pháp thúc đẩy quan hệ lâu dài với các nước Đông Nam Á.
Anh, Pháp, Đức bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Trang Rappler hôm qua đưa tin trong các công hàm gửi cho LHQ ngày 16.9, Anh, Pháp và Đức bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong công hàm, ba nước trên cũng nhấn mạnh các hoạt động xây dựng, bồi đắp đất hoặc những hình thức biến đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại một thực thể theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Anh, Pháp và Đức cũng bác bỏ các “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, theo Rappler.
Là thành viên của UNCLOS, Anh, Pháp và Đức nhấn mạnh cần phải tuân theo tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận Biển Đông một cách tự do. Vừa qua, một số nước Đông Nam Á, Mỹ và Úc gửi công hàm và văn bản ngoại giao lên LHQ nhằm phản đối những công hàm của Bắc Kinh liên quan Biển Đông.
Văn Khoa
|
Mở rộng hợp tác quân sự với các nước châu Á
Tân thủ tướng Suga sẽ kế tục chính sách đối ngoại, nhưng có lẽ sẽ không mạnh dạn và quyết đoán như người tiền nhiệm. Cũng từ lý do này, tôi không nghĩ ông Suga sẽ tiếp tục nỗ lực của ông Abe trong việc thay đổi Hiến pháp nhằm cho phép mở rộng khả năng hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi vẫn tin Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục tầm nhìn của ông Abe để mở rộng các thỏa thuận và hợp tác quân sự với các nước châu Á khác, đẩy mạnh phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 và vũ khí siêu thanh. Chỉ là tôi chưa biết liệu tân Thủ tướng có tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp Nhật rút khỏi Trung Quốc rồi đầu tư sang các nước châu Á khác hay không!
Ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử)
|
Bình luận (0)