Trang USNI News ngày 26.5 dẫn lời nhiều quan chức Mỹ giấu tên cho hay trong chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) sáng 25.5, tàu khu trục USS Dewey đã đi vào khu vực 6 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, một trong số 7 thực thể địa lý bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và xây dựng thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của VN.
Tàu khu trục này hoạt động bình thường như trên biển cả và không thực hiện chiến dịch FONOP theo các quy định áp dụng cho trường hợp "qua lại vô hại". Con tàu chạy zích zắc trong khu vực khoảng 90 phút và có lúc các thủy thủ trên tàu đã tiến hành diễn tập cứu hộ người bị rơi khỏi tàu, theo một quan chức Mỹ.
Cũng theo USNI News, một tàu hộ vệ Trung Quốc đã bám đuổi tàu khu trục Mỹ trong suốt hành trình. Các đơn vị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cảnh báo tàu Mỹ rời khu vực tới hơn 20 lần.
Động thái của USS Dewey vào ngày 25.5 đánh dấu lần đầu tiên một chiến dịch FONOP được triển khai ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trước chiến dịch của USS Dewey, lần gần nhất Mỹ tiến hành FONOP ở Biển Đông là vào tháng 10.2016, khi tàu khu trục USS Decatur áp sát Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Thách thức đáng kể nhất từ trước đến nay
Yếu tố “qua lại vô hại” được chú ý bởi trong các chiến dịch trước đây, chính quyền Tổng thống Barack Obama từng bị một số chuyên gia chỉ trích vì không minh bạch trong cung cấp thông tin về FONOP, dẫn đến ấn tượng rằng chính quyền này góp phần củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc khi chỉ cho tàu thực hiện quyền “qua lại vô hại”. Quyền này áp dụng trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý do vậy việc Mỹ vận dụng “qua lại vô hại” có thể bị xem là ngầm công nhận yêu sách về lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo.
Theo giới quan sát, không phải ngẫu nhiên Mỹ chọn đá Vành Khăn là mục tiêu FONOP lần này. Tòa trọng tài quốc tế xử vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi năm ngoái đã nêu rõ đá Vành Khăn là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (LTE), mà theo luật quốc tế không hề có lãnh hải 12 hải lý. Vì vậy, USS Dewey không hề thực thi quyền “qua lại vô hại” mà chỉ tiến hành các hoạt động bình thường trên biển cả, nghĩa là hoàn toàn không công nhận cái gọi là lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc mạo nhận.
"Theo tôi đây là chiến dịch (FONOP) có ý nghĩa nhất từ trước đến nay. Không chỉ thách thức các yêu sách về biển của Trung Quốc ở Biển Đông, nó còn bao hàm cả một sự thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với thực thể địa lý đó", Giáo sư James Kraska thuộc Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton tại Trường chiến tranh hải quân Mỹ nhận xét.
"Lý do là nếu Mỹ không công nhận việc qua lại vô hại thì không hề có lãnh hải, và nếu không có lãnh hải thì không hề có quyền sở hữu của Trung Quốc", ông nói.
Bình luận (0)