Tờ South China Morning Post ngày 20.12 dẫn lời giới quan sát cho rằng tàu sân bay Sơn Đông vừa đưa vào biên chế của Trung Quốc có thể không chở được nhiều tiêm kích như thông tin ban đầu, đồng thời cần thêm nhiều thời gian nữa để đáp ứng yêu cầu điều động tối thiểu.
Khoảng 30 phi công lái tiêm kích có mặt trên tàu sân bay “nội địa” đầu tiên khi Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ đưa vào biên chế chính thức tại tỉnh Hải Nam hôm 17.12, theo hình ảnh trên Đài CCTV.
Số lượng này cho thấy có thể chỉ đủ phi công cho 2 phi đội, tương đương 24 tiêm kích J-15, thay vì 36 chiếc như truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Theo chuyên gia hải quân Lý Khiết tại Bắc Kinh, tàu Sơn Đông có thể sẽ không có nhiều tiêm kích vì chỉ vừa vào giai đoạn mới biên chế, trong khi tỷ lệ tiêm kích/phi công theo tiêu chuẩn là 2/3.
Trước đó vào tháng 8, Đài CCTV đưa tin tàu Sơn Đông có thể chở theo đến 36 tiêm kích J-36, gấp rưỡi tàu sân bay đầu tiên của nước này là Liêu Ninh – cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mua của Ukraine.
Theo chuyên gia quân sự Chu Thần Minh ờ Bắc Kinh, dù có nhiều nơi chứa máy bay hơn chiếc tiền nhiệm, tàu Sơn Đông vẫn không thể chở theo đến 36 chiếc J-15.
“J-15 rất lớn và tàu sân bay không thể chỉ chở theo tiêm kích”, theo ông Chu.
Trung Quốc mất hơn một thập niên để phát triển J-15 dựa trên nguyên mẫu tiêm kích thế hệ thứ 4 Su-33 của Nga có thiết kế hơn 30 năm. J-15 là mẫu tiêm kích tàu sân bay nặng nhất thế giới và cũng là tiêm kích duy nhất hoạt động trên tàu sân bay Trung Quốc.
Theo thiết kế của cả tàu Liêu Ninh và Sơn Đông, thời gian cất cánh của một tiêm kích J-15 gấp 3 lần so với tiêm kích F-18 của Mỹ.
Một nguồn thảo tin cho biết tàu Liêu Ninh có thể cho 14 tiêm kích J-15 cất cánh trong một chuyến bay thử, so với 40 chiếc của tàu lớp Nimitz.
Cả hai chuyên gia Chu và Lý đều cho rằng tàu sân bay Sơn Đông có thể có đến 48 máy bay, bao gồm ít nhất 24 chiếc J-15 và khoảng 12 trực thăng.
Bình luận (0)