Lộ diện thiết bị giúp tiêm kích tàu sân bay Trung Quốc cất cánh bằng máy phóng

19/11/2020 18:15 GMT+7

Khi Trung Quốc gần hoàn tất tàu sân bay nội địa thứ 3 đang đóng, hải quân nước này (PLAN) đã bổ sung móc kéo cho loại tiêm kích J-15T để có thể cất cánh từ boong tàu bằng máy phóng.

Sự tồn tại phiên bản mới của chiến đấu cơ J-15 là J-15T không phải là thông tin hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, một số bức ảnh vừa xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh rõ ràng nhất từ trước đến nay về móc kéo - để gắn vào máy phóng - được lắp ở càng bánh trước của loại tiêm kích tàu sân bay này.
Nguyên mẫu J-15T hồi đầu năm nay đã lộ diện trên một bản tin của Trung Quốc. Sau đó, hãng Global Defense Corp vào tháng 4 ghi nhận chữ “T” ở cuối tên có thể là viết tắt từ “Tanshe” (có nghĩa là “máy phóng”).

Móc kéo ở càng trước của tiêm kích tàu sân bay J-15T

RupprechtDeino/Twitter

Tuy nhiên, những bức ảnh đầu tiên quá mờ, không cho rõ về chi tiết móc kéo mới được trang bị như trong những bức ảnh mới xuất hiện. Móc kéo là bộ phận rất quan trọng để máy bay cất cánh từ tàu sân bay có trang bị máy phóng. Trước khi máy bay cất cánh, móc kéo được khóa vào thoi đẩy của máy phóng, sau đó máy bay nhận lực đẩy cực lớn từ hệ thống phóng để tăng tốc và rời tàu sân bay.
Máy phóng có thể giúp chiến đấu cơ cất cánh với lượng nhiên liệu và vũ khí mang theo lớn hơn từ đường băng rất ngắn trên tàu sân bay. Đây là điều rất cần thiết để khắc phục điểm yếu cố hữu của tiêm kích J-15. Loại máy bay này (vốn là bản sao chép từ mẫu Su-33 của Liên Xô) đặc biệt nặng và cồng kềnh so với các dòng máy bay chiến đấu tác chiến trên tàu sân bay của những nước khác.

Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh, chỉ mang được 2 tên lửa ở đầu cánh

Reuters

J-15 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh đến 33 tấn, trong khi tiêm kích F/A-18 của Mỹ chỉ có 23 tấn. Chiều dài của máy bay Trung Quốc lên đến 24 m, trong khi F/A-18 chỉ có 17 m. Do vậy hầu hết các máy bay trên tàu sân bay của Trung Quốc buộc phải mang ít nhiên liệu lẫn vũ khí mới có thể cất cánh. Các bức ảnh chụp J-15 cất, hạ cánh trên tàu sân bay hầu hết đều không mang theo vũ khí, hoặc tối đa là 2 quả tên lửa ở đầu cánh.

Tiêm kích F/A-18 Super Hornet trên tàu sân bay Mỹ USS Nimitz, mang đầy đủ vũ khí và cả bình nhiên liệu phụ

Hải quân Mỹ

Đó là lý do truyền thông Trung Quốc chê J-15 chẳng khác nào “cá chạch” chứ không phải “cá mập bay” như biệt danh chính thức của nó. Tuy vậy, hiện J-15 là dòng máy bay duy nhất của Trung Quốc có thể cất cánh từ tàu sân bay.

Tàu sân bay Liêu Ninh tại tây Thái Bình Dương năm 2018

Reuters

Cho đến nay, J-15 chỉ mới hoạt động trên tàu Liêu Ninh và Sơn Đông, 2 tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sử dụng cơ chế cất cánh kiểu cầu nhảy (phần đường băng phía mũi tàu hếch lên khoảng 12 độ). Thiết kế này hạn chế đáng kể khối lượng cất cánh tối đa của J-15, ảnh hưởng tới tầm bay và lượng vũ khí mà tiêm kích này mang theo.
Trung Quốc đang gấp rút chế tạo tàu sân bay thứ ba và được cho có kế hoạch đóng thêm chiếc thứ 4. Với sự xuất hiện của phiên bản tiêm kích J-15T, có thể nhận định rằng loại máy bay này sẽ trang bị cho tàu sân bay có máy phóng. Hiện chưa rõ máy phóng của tàu sân bay đang đóng của Trung Quốc thuộc dạng dùng hơi nước như của các tàu sân bay hiện tại của Mỹ hoặc điện từ như lớp tàu sân bay Ford cũng của Mỹ đang trong giai đoạn thử nghiệm các hệ thống chiến đấu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.