Tàu Trung Quốc nhiều lần vi phạm ở Biển Đông

Khánh An
Khánh An
26/08/2019 07:45 GMT+7

Các tàu khảo sát và tàu “dân sự” Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á bất chấp luật pháp quốc tế .

Tàu khảo sát Trương Kiển của Trung Quốc vừa bị phát hiện một lần nữa xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn thông tin chuyên gia Ryan Martinson thuộc Đại học Hải chiến Mỹ viết trên Twitter rằng tàu trở lại khu vực phía đông Philippines cách bờ biển nước này chỉ khoảng 80 hải lý. Trước đó, tàu bị phát hiện tiến hành khảo sát cách bờ biển phía đông của Philippines 80 hải lý từ ngày 3 - 5.8.
Trong khi đó, tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13.8 đã quay trở lại xâm phạm nghiêm trọng vùng biển Việt Nam, sau khi lần đầu vi phạm từ ngày 12.7 - 7.8. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.

Liên tiếp xâm phạm EEZ

Theo giới quan sát, trong những năm gần đây, sự vi phạm của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á diễn ra thường xuyên hơn, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Tại EEZ của Philippines, bên cạnh tàu Trương Kiển còn có tàu khảo sát Đông Phương Hồng 3 xuất hiện ở vùng biển phía bắc Luzon vào ngày 7.8. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. thông báo sẽ bổ sung Trung Quốc vào danh sách những nước có tàu khảo sát bị cấm hoạt động trong vùng biển Philippines, đồng thời gửi công hàm phản đối. Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định Manila sẽ không cho phép tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tại vùng biển Malaysia, Trung Quốc mới đây đưa tàu khảo sát Thực Nghiệm 2 đến gần cụm bãi cạn Nam Luconia ở Biển Đông hôm 4.8. Khu vực Nam Luconia nằm trong EEZ của Malaysia nhưng cũng bị đưa vào bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Trong khi đó, không quân Malaysia tiến hành tập trận phóng tên lửa ở bang Sabah và vùng biển xung quanh, trong đó có Biển Đông, từ ngày 23.7 - 10.8. Quân đội Malaysia trước đó phóng tên lửa diệt hạm ở Biển Đông hôm 15.7 và nhấn mạnh sẵn sàng bảo vệ các lợi ích quốc gia tại khu vực, theo chuyên trang Janes.
Tàu Trung Quốc nhiều lần vi phạm ở Biển Đông1

Tàu thăm dò Trương Kiển của Trung Quốc

Ảnh: chụp màn hình Philstar

Bên cạnh các tàu khảo sát, lực lượng dân quân biển lên đến hàng trăm ngàn người cũng đưa các tàu cá đến vi phạm EEZ của nhiều nước. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng này đóng vai trò “hạm đội thứ 3” của Trung Quốc bên cạnh hải quân và hải cảnh. Đơn vị dân quân biển trá hình này có bộ chỉ huy đặt tại đảo Hải Nam, được trang bị tàu cá bọc thép cỡ lớn, sẵn sàng chờ lệnh điều động đến các vùng biển trong khu vực chủ yếu để dọa dẫm nhằm phục vụ âm mưu chiếm trọn phần lớn Biển Đông của Trung Quốc, theo Asia Times.

Tại Indonesia, Trung Quốc đưa nhiều tàu cá đến gần quần đảo Natuna trong những năm qua. Cùng với yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm lên một phần quần đảo này, Trung Quốc đang biến nơi đây thành một điểm nóng khác trong khu vực. Theo National Interest, mặc dù không muốn đối đầu với Bắc Kinh, nhưng Jakarta vẫn tỏ ra khá cứng rắn trước sự vi phạm của Trung Quốc. Hồi năm 2013, Indonesia bắt giữ một số tàu cá Trung Quốc vi phạm và vụ việc đã dẫn đến một cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc với một tàu tuần duyên Indonesia.

Mối đe dọa chung

Nhận định về những động thái ngang ngược ngày càng tăng của các tàu khảo sát Trung Quốc, ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang muốn mở rộng thăm dò dầu khí ở Biển Đông. “Các hành động của Trung Quốc cả ở vùng biển ngoài khơi Malaysia và Việt Nam từ tháng 5 cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng sẵn sàng dùng cách cưỡng ép và đe dọa vũ lực để ngăn hoạt động ngành dầu khí của các nước láng giềng”, ông phân tích.
Ở một góc độ khác, Giáo sư James Kraska tại Đại học Hải chiến Mỹ cảnh báo việc tàu Hải Dương Địa chất 8 trở lại EEZ của Việt Nam là một phần trong chiến dịch dài hơi nhằm “bình thường hóa” sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại đây. “Hành động này cũng tương tự như tung tàu cá hoạt động trong EEZ nước khác hay ban hành lệnh cấm đánh bắt trên biển. Ý định ẩn sau là khiến dư luận “quen dần” với các hành vi xâm phạm và sau vài năm, Trung Quốc sẽ được coi là đã có sự hiện diện “hợp pháp và thường lệ” trong EEZ của Việt Nam”, ông chia sẻ nhận định với Thanh Niên. Theo ông, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành khu vực do nước này kiểm soát mà không cần dùng tới sức mạnh quân sự để tránh dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. “Trung Quốc đang triển khai đồng loạt các hành động nhằm vào các nước ven Biển Đông khác nhằm giành giật vị thế “cửa trên” rồi ép từng bên ngồi vào bàn đàm phán song phương với mục tiêu kiểm soát một phần hoặc toàn bộ EEZ nước khác”, Giáo sư Kraska nhận định.
Tin giả thế kỷ về Biển Đông
Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 25.8 dẫn lời Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “tin giả của thế kỷ và sự lừa đảo khổng lồ đối với nhân loại” vốn không nên có. Ông kêu gọi người dân Philippines và các nước Đông Nam Á đưa tin đúng sự thật và vạch trần thông tin ngụy tạo của Trung Quốc về Biển Đông. “Chúng ta không thể trông chờ chính phủ Trung Quốc nói với người dân của họ rằng đó là lịch sử giả tạo, chúng ta phải tự làm và điều này sẽ mất thời gian”, ông Carpio phát biểu tại Đại học Ateneo de Davao. Phó chánh án Carpio đưa ra các bản đồ cổ và nghiên cứu do chính chuyên gia, học giả Trung Quốc biên soạn cho thấy lãnh thổ Trung Quốc dưới thời nhà Thanh có cương vực cực nam chỉ đến đảo Hải Nam. Dẫn các tài liệu chính thức, ông Carpio nói rằng sự thật là Trung Quốc ngang ngược ra yêu sách chủ quyền khu vực phía nam Hải Nam từ năm 1932 trở về sau, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.