Theo thông tin mới nhất từ tài khoản Facebook của các cựu thủy thủ tàu tuần tra John Midgett (WHEC 726) thuộc Tuần duyên Mỹ ngày 18.5, việc sơn lót con tàu đang được tiến hành tại cảng Seattle, bang Washington.
Song song là việc tháo dỡ dàn pháo đánh chặn tầm gần Phalanx (điều khiển bằng radar) ở đuôi tàu và dàn radar tìm kiếm mục tiêu trên không SPS-40 (tầm trinh sát tối đa 450 km, ở trên đỉnh tháp tín hiệu phía sau tàu).
|
Sau khi tháo dỡ dàn pháo Phalanx cùng radar SPS-40, vũ khí chính của tàu John Midgett chỉ còn lại khẩu pháo Oto Melara 76 mm phía mũi tàu cùng radar hướng dẫn bắn, tương tự chiếc CSB 8020 (tên cũ là Morgenthau) mà Cảnh sát biển Việt Nam đã nhận vào năm 2017.
Đây cũng là những thiết bị được tháo gỡ khi Mỹ chuyển giao tàu tuần tra cho các nước theo chương trình bán vũ khí dư thừa (EDA).
|
Trước đó, lễ bàn giao tàu John Midgett cho Cảnh sát biển Việt Nam dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 đã phải hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Và trong thời gian từ đó đến nay, việc sơn lại tàu phải tạm ngưng. Nay do tình hình dịch bệnh thuyên giảm nên các công việc sửa chữa, tân trang tàu được tiếp tục.
Dự kiến sau khi hoàn tất việc tháo dỡ các thiết bị quan trọng khỏi con tàu, phía Mỹ sẽ tiếp nhận và huấn luyện thủy thủ Việt Nam làm chủ con tàu và trực tiếp điều khiển tàu về nước trong vài tháng tới.
|
Với việc chuyển giao chiếc John Midgett cho Việt Nam, Tuần duyên Mỹ chỉ còn 2 chiếc trong số 12 chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton là Douglas Munro (WHEC 724) và Mellon (WHEC 717). Nhiều thông tin cho rằng Việt Nam đề nghị Mỹ chuyển giao 3 chiếc tàu loại này, đến nay ta đã nhận được 2 chiếc là CSB 8020 và John Midgett.
Mỹ cung cấp tàu tuần tra giúp thúc đẩy Indo-Pacific rộng mở, tự do
Ngày 8.5 qua, trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ có bài viết nhận xét rằng chương trình EDA đã giúp thúc đẩy một khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương (Indo-Pacific) rộng mở và tự do. Bài viết cho hay các tàu tuần tra loại biên của Tuần duyên Mỹ cung cấp cho các nước châu Á qua chương trình EDA đã đóng góp lớn trong việc tuần tra và thực thi pháp luật trên biển.
|
Chẳng hạn ngày 10.4 vừa qua tàu hải quân SLNS Samudura của Sri Lanka đã chặn bắt một vụ buôn lậu ma túy trên biển, thu giữ gần 300 kg heroin và 50 kg ma túy đá, trị giá hơn 17 triệu USD. Tháng 3, cũng tàu này bắt giữ vụ buôn lậu ma túy lớn nhất với 400 kg heroin và 100 kg ma túy đá, trị giá 33,5 triệu USD. Tàu SLNS Samudura chính là chiếc Courageous được Tuần duyên Mỹ chuyển giao cho Sri Lanka năm 2004 theo chương trình EDA.
Năm 2019, hải quân Sri Lanka nhận từ Mỹ chiếc tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton, là chiếc Sherman (cùng loại với chiếc John Midgett) và đổi tên là SLNS Gajabahu. Hải quân Sri Lanka hy vọng nhận tiếp 1 chiếc nữa vào năm 2021 theo chương trình EDA.
|
Theo chương trình EDA, Mỹ chuyển giao các thiết bị quân sự dư thừa cho một số nước để giúp củng cố năng lực và mở rộng quan hệ với đồng minh và đối tác. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đánh giá cẩn thận tất cả các trường hợp được đề xuất tiếp nhận vũ khí Mỹ để đảm bảo chúng hỗ trợ các mục tiêu chính sách về đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Các quốc gia tiếp nhận vũ khí Mỹ phải tuân thủ các điều kiện đã nêu về mục đích sử dụng và không chuyển giao các vũ khí này cho nước khác mà không có sự đồng ý của Mỹ.
Tại Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, các tàu tuần tra loại biên của Tuần duyên Mỹ cũng được chuyển giao cho một số nước khác, giúp củng cố an ninh hàng hải và thực thi pháp luật trên biển. Chẳng hạn hải quân Bangladesh nhận các tàu tuần tra Rush và Jarvis, đều là các tàu lớp Hamilton và hiện là những tàu lớn nhất của hải quân nước này. Philippines nhận được 3 tàu lớp Hamilton gồm các chiếc Hamilton, Dallas, Boutwell và biên chế vào hải quân.
|
Việt Nam nhận chiếc Morgenthau vào cuối năm 2017, biên chế vào lực lượng Cảnh sát biển, đổi tên là CSB 8020. Dự kiến trong vòng vài tháng tới Cảnh sát biển Việt Nam sẽ nhận tiếp chiếc thứ hai theo chương trình EDA (tức chiếc John Midgett).
Tàu tuần tra John Midgett (WHEC 726) là chiếc cuối cùng trong 12 chiếc thuộc lớp tàu Hamilton, hạ thủy tháng 9.1971 và biên chế vào Tuần duyên Mỹ tháng 3.1972. Tàu phục vụ tại Lực lượng tuần duyên khu vực Tây bắc Thái Bình Dương, với căn cứ chính ở cảng Seattle, bang Washington.
Hamilton là lớp tàu tuần tra lớn nhất của Tuần duyên Mỹ vào những năm 1960. Lớp tàu này dài 115 m, ngang rộng nhất 13 m, mớn nước 4,6 m, lượng choán nước 3.250 tấn, tầm hoạt động 22.530 km. Tàu vũ trang 1 pháo Oto Breda 76 mm phía mũi cùng radar khóa mục tiêu và dẫn bắn. Phía đuôi tàu có 1 hệ thống pháo cận chiến bắn nhanh Phalanx (6 nòng, tốc độ bắn hơn 2.000 phát/phút, bắn đạn 20 mm với đầu đạn bằng tungsten, chống máy bay và tên lửa các loại trong phạm vi 5 km).
Tàu có 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbin khí, tốc độ tối đa 29 knot (53,7 km/giờ). Tàu có thể mang theo 24 sĩ quan và 160 thủy thủ, hoạt động liên tục 45 ngày trên biển. Tàu còn có nhà chứa trực thăng dạng mái vòm có thể kéo ra thu vào được. Tàu có chức năng tuần tra lãnh hải, cứu hộ cứu nạn, khảo sát đại dương, và có thể hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới, chịu được sóng to gió lớn, nên lớp tàu này còn có tên là tàu tuần duyên cỡ lớn có độ bền cao (high endurance cutter). |
Bình luận (0)