Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã ra hạn chót cho Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont đến 10 giờ sáng 19.10 (tức 15 giờ, theo giờ VN) phải từ bỏ đòi hỏi ly khai, nếu không chính phủ trung ương sẽ xóa bỏ quyền tự trị của vùng này, theo Reuters. “Nếu chính phủ Tây Ban Nha tiếp tục gây cản trở tiến trình đối thoại và đàn áp, nghị viện Catalonia phải bỏ phiếu thông qua tuyên bố độc lập chính thức”, theo bức thư ông Puigdemont gửi cho Thủ tướng Rajoy được công bố vài phút sau khi hết thời hạn. Tiếp đó, Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha tuyên bố Madrid sẽ kích hoạt điều 155 trong hiến pháp, cho phép xóa bỏ quyền tự trị và tái kiểm soát Catalonia, đồng thời tiến hành cuộc họp khẩn cấp thảo luận về vấn đề này trong ngày 21.10.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào nghị viện Catalonia sẽ chính thức bỏ phiếu và đơn phương tuyên bố độc lập chính thức. Trong khi đó, nếu Thủ tướng Rajoy kích hoạt điều 155 thì cũng phải trình lên Quốc hội phê chuẩn mới có hiệu lực, nhanh nhất là trong tuần tới. Người phát ngôn chính quyền trung ương Inigo Mendez de Vigo khẳng định đa số các đảng đối lập ủng hộ áp dụng điều 155. Về mặt lý thuyết, Madrid có thể giải tán chính quyền Catalonia, kiểm soát lực lượng cảnh sát, hệ thống tài chính và tiến hành bầu cử, nhưng động thái này có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực, ảnh hưởng đến thị trường và kinh tế của Tây Ban Nha.
Việc rời khỏi Catalonia của các công ty Tây Ban Nha có xu hướng sẽ diễn ra như “một cơn lũ”, theo CNN.
Một số quan chức chính quyền Catalonia cho rằng Madrid khó có thể thực thi điều 155, là điều luật vốn không mấy rõ ràng, đồng thời dự báo cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới, khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoang mang. Catalonia là vùng tự trị với dân số 7,5 triệu người, đóng góp 20% GDP cho Tây Ban Nha, thuộc hàng thịnh vượng nhất và chỉ đứng sau Madrid, theo Reuters. Trên 800 công ty đã dời trụ sở khỏi Catalonia do lo ngại bất ổn. Chính quyền trung ương buộc phải hạ mức dự báo tăng trưởng cho năm 2018 xuống 2,3%, đổ lỗi cho tình hình Catalonia.
Trước đó, Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý hôm 1.10 và Thủ hiến Puigdemont tuyên bố kết quả 90% ủng hộ ly khai khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chỉ có 43% số cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý nên bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố là bất hợp pháp. Sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ hiến Puigdemont đã tuyên bố độc lập, nhưng lại ra lệnh tạm hoãn thực hiện và kêu gọi đàm phán trực tiếp với chính phủ Tây Ban Nha. Ông Puigdemont đồng thời lên án chính quyền trung ương điều lực lượng cảnh sát đến đàn áp cuộc trưng cầu dân ý và bắt giữ các lãnh đạo ủng hộ Catalonia độc lập.
Bình luận (0)